Thượng đỉnh Nga- Đức: “Cài đặt lại” mối quan hệ trên nền tảng thực tế
VOV.VN - Nhà lãnh đạo Nga và Đức đã hội đàm với nhau trong 3 tiếng đồng hồ, thảo luận rất nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và quốc tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (18/8) có cuộc gặp ở thủ đô Berlin. Trong cuộc gặp kéo dài 3 giờ ở cung điện Schloss Meseberg, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rất nhiều vấn đề quan trọng, từ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tới các vấn đề Syria và Ukraine.
Tổng thống Putin (trái) và Thủ tướng Merkel. Ảnh: Mashable. |
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Đức lần này được coi là cơ hội cải thiện mối quan hệ vốn đã căng thẳng nhiều năm qua, giữa hai nước nói riêng và giữa Nga với Liên minh châu Âu nói chung.
Trình tự khác thường
Cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Đức lần này diễn ra với trình tự khá khác thường, khi hai bên tổ chức họp báo chung trước khi bắt đầu hội đàm chính thức. Đây là cuộc họp thượng đỉnh thứ hai trong vòng 3 tháng qua, nhưng hai nhà lãnh đạo đã kết thúc các cuộc đối thoại mà không đưa ra tuyên bố. Theo thông báo của Điện Kremlin, cuộc gặp đã diễn ra rất thực chất, với nhiều vấn đề quan trọng được lãnh đạo hai nước thảo luận chi tiết và đạt được nhất trí như đã được nêu trước cuộc gặp.
Mối quan hệ giữa Nga và Đức căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, kéo theo các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và các nước thành viên Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Đức không bị đẩy xuống mức thấp như một số quốc gia phương Tây khác, khi lãnh đạo hai nước vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc thường xuyên. Gần đây nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel tại Sochi vào tháng 5 vừa qua.
Cục diện quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, với nhiều thách thức đặt ra, buộc các quốc gia như Đức và Nga phải tìm đến nhau để đảm bảo lợi ích quốc gia và quốc tế. Quyết định của Thủ tướng Đức cho phép hơn 1 triệu người, hầu hết là người tị nạn Syria, vào Đức đã vấp phải sự chỉ trích của không chỉ dư luận trong nước, mà còn cả trong chính phủ của bà. Vì vậy, hợp tác với Nga để tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến Syria sẽ cho phép Đức bắt đầu khuyến khích người tị nạn trở về nước.
Trong cuộc gặp hôm 18/8, Tổng thống Putin cũng khẳng định tầm quan trọng của giải pháp cho Syria đối với không chỉ nước Đức, mà còn cả châu Âu: “Cần phải nhớ lại rằng 1 triệu người tị nạn đang ở Jordan, 1 triệu người tại Lebanon và 3 triệu người tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là một gánh nặng lớn đối với châu Âu. Do đó, tôi nghĩ rằng cần phải giúp những người tị nạn trở về. Tôi nghĩ châu Âu cũng rất quan tâm đến việc giúp những người tị nạn Syria trở về quê hương”.
Còn với Nga, nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria không đơn thuần chỉ là tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến, mà qua đó còn khẳng định vai trò không thể thiếu của Nga tại khu vực quan trọng này. Tổng thống Putin cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của Đức và Liên minh châu Âu trong việc tái thiết Syria. Trong khi đó, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đang đẩy Nga với Đức nói riêng và cả châu Âu nói chung, vào cùng một chiến tuyến bảo vệ thỏa thuận.
Tổng thống Nga: Cần làm mọi thứ để đưa người tị nạn Syria về nước
Tháo gỡ rào cản quan hệ
Thủ tướng Angela Merkel hôm qua khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Nga duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran: “Đức cam kết với Thỏa thuận hạt nhân Iran. Tất nhiên, chúng tôi cũng đang cân nhắc dựa trên những lo ngại về hành động của Iran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Nga về vấn đề này”.
Bên cạnh các vấn đề quốc tế nóng, mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai quốc gia này cũng vô cùng quan trọng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng cáo buộc Đức là “tù nhân” của nước Nga. Đức nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu. Việc hai nhà lãnh đạo bắt tay thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ giúp mang lại lợi ích lớn cho hai quốc gia. Lãnh đạo hai nước hôm qua nhất trí không cho phép "chính trị hóa" dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và bày tỏ quyết tâm hoàn thành dự án này.
Mặc dù vậy, vẫn có những rào cản trên con đường cải thiện quan hệ song phương Nga-Đức. Đức muốn hợp tác, hay cải thiện quan hệ với Nga thì cũng phải nằm trong khuôn khổ của châu Âu. Thậm chí, một số nhà bình luận châu Âu đã lên tiếng chỉ trích các bước đi của Thủ tướng Angela Merkel, cho rằng nước này đang phản bội lại châu Âu.
Khi cuộc xung đột Ukraine chưa được giải quyết, việc duy trì các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục là rào cản để hai bên cải thiện quan hệ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa hai bên trên thực tế cũng luôn thăng trầm theo từng sự kiện như vụ cáo buộc Nga bắn hạ máy bay mang số hiệu MH17 tại Ukraine, vụ đầu độc cựu điệp viên Anh… Bởi thế, các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Đức lần này không nên được coi là sự chuyển hướng thực sự trong quan hệ hai bên. Thay vào đó, nó phản ánh kì vọng của hai nước mong muốn "cài đặt lại" mối quan hệ trên nền tảng những lợi ích thực tế sau nhiều năm gia tăng căng thẳng./.