Thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ và những quan ngại chung về Trung Quốc
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/9 sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo nhóm Bộ Tứ tại Nhà Trắng.
Động thái này được cho là nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh với những quan ngại chung về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên của lãnh đạo nhóm Bộ Tứ tại Nhà Trắng với sự tham dự của Thủ tướng Australia, Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á. Trung Quốc đã coi nhóm Bộ Tứ là một “phe nhỏ” nuôi dưỡng tư duy Chiến tranh lạnh.
Mặc dù nhóm Bộ Tứ, được biết tới với tên chính thức là Đối thoại an ninh bốn bên, được thành lập những năm 2000, một số chuyên gia an ninh cho rằng nhóm này cần có các động thái thể hiện đoàn kết trước các diễn biến gần đây.
Tại thượng đỉnh ngày 24/9, lãnh đạo các nước thuộc nhóm Bộ Tứ dự kiến sẽ củng cố các thỏa thuận nhằm tăng cường các mối liên kết kỹ thuật và giáo dục, theo giới chức Mỹ. Một trong số đó là sáng kiến chuỗi cung ứng tập trung vào các thiết bị bán dẫn trong khi số khác tìm cách củng cố hệ thống 5G và cơ sở hạ tầng quan trọng trước các mối đe dọa tấn công mạng.
Giới chức Mỹ cho biết hội nghị này có thể sẽ có các thông báo về phát triển vaccine và một chương trình cơ sở hạ tầng được cho là nhằm làm đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tại cuộc gặp trực tuyến hồi tháng 3, lãnh đạo nhóm Bộ Tứ đã cam kết sản xuất 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm 2022 trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện ngoại giao vaccine với các nước đang phát triển.
Ấn Độ đã xung đột với Trung Quốc trong vấn đề biên giới; Trung Quốc áp đặt các biện pháp thuế quan đối với Australia sau khi Thủ tướng nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch bệnh Covid-19; Australia vừa đạt một thỏa thuận an ninh với Mỹ và Anh nhằm giúp tạo ra một mạng lưới phòng vệ bằng tàu ngầm được cho là nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Trong khi đó, Nhật Bản phản đối tàu quân sự Trung Quốc đi vào vùng biển gần các đảo do Nhật Bản quản lý và Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Biden bị các đồng minh chỉ trích về việc rút quân vội vàng khỏi Afghanistan cũng như căng thẳng với Pháp sau thỏa thuận sản xuất tàu ngầm cho Australia. Tổng thống Mỹ và Pháp tuần này đã thống nhất gặp nhau vào cuối tháng 10 để tìm cách hàn gắn quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Biden đã chấm dứt cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan nhằm tập trung hơn cho các mối lo ngại ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù vẫn duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Biden vẫn tìm cách tránh leo thang căng thẳng. Tổng thống Biden mới đây đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc nhằm khẳng định các kênh liên lạc giữa hai nước. Ngoài ra, khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, mặc dù không đề cập trực tiếp Trung Quốc, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết của các biện pháp ngoại giao trong quan hệ giữa các nước./.