Thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu mở ra cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc
VOV.VN - Sau nhiều bất đồng và căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc cũng tìm được tiếng nói chung trong một vấn đề lớn của thế giới chính là chống biến đổi khí hậu.
Những động thái được cả 2 nước phát đi trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu diễn ra trong 2 ngày (22-23/4) do Mỹ chủ trì được cho là minh chứng cho thấy, 2 nền kinh tế lớn của thế giới và cũng là 2 quốc gia phát thải lượng khí CO2 nhiều nhất thế giới mong muốn hợp tác để cùng đối phó với thách thức chung của nhân loại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/4 chính thức ra thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Mỹ chủ trì theo lời mời của Tổng thống Joe Biden. Tuyên bố của Trung Quốc gián tiếp cho thấy, Trung Quốc ủng hộ và mong muốn hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Điều này đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nhấn mạnh tại một cuộc họp báo mới đây: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều công nhận biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng và đầy áp lực đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác và phối hợp với các bên liên quan nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu và thực thi đầy đủ các nguyên tắc và điều khoản của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu và Thỏa thuận Paris nhằm góp phần kiểm soát khí hậu thế giới”.
Về phía Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, các cuộc thảo luận song phương giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề khí hậu đã bị đình trệ. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại dành ưu tiên đặc biệt cho vấn đề biến đổi khí hậu. Chỉ ít giờ sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, ông Joe Biden đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm thông qua việc đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải toàn cầu, tức là hơn 10 tỷ tấn CO2 mỗi năm, trong khi Mỹ chiếm 15% tổng lượng khí thải toàn cầu. Nếu không có sự phối hợp của hai nước, các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ không đạt được hiệu quả cao. Nhận thức rõ vấn đề này, hơn 1 tuần trước khi diễn ra hội nghị, Tổng thống Mỹ Biden đã “tức tốc cử” Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry tới một số quốc gia trong đó có Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ.
Quyết định này của Mỹ cho thấy, Mỹ đánh giá cao sự hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với Trung Quốc- quốc gia có lượng phát thải khí CO2 nhiều nhất thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Phát biểu trước báo giới mới đây, ông John Kerry nhấn mạnh: “Đây là một thách thức toàn cầu. Chưa có một thách thức nào đòi hỏi sự đoàn kết quốc gia trên khắp thế giới hơn thách thức về vấn đề biến đổi khí hậu. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ nhiệt độ trái đất tăng hơn 3 độ C. Điều này sẽ gây ra sự tàn phá đối với mỗi và mọi quốc gia. Vì vậy chúng ta cần phải tăng cường nỗ lực để biến những mục tiêu xa thành hành động gần”.
Theo dự kiến, vào khoảng 19 giờ tối 22/4 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu sẽ bắt đầu khai mạc và kéo dài trong hai ngày. Đây là Hội nghị do Tổng thống Mỹ Biden khởi xướng nhân Ngày Trái đất 2021. Được tổ chức trước Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021, hội nghị này được kỳ vọng sẽ mang lại các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu. /.