Thượng nghị sỹ Australia 'hiến kế' ngăn chặn hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông
VOV.VN - Thượng nghị sỹ Australia kêu gọi Canberra sử dụng hải quân, phối hợp cùng các nước thực thi quyền đi lại vô hại trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Australia hôm 16/9, Thượng nghị sĩ Đảng tự do Concetta Fierravanti-Wells chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân thủ phán quyết mà Tòa Trọng tài thường trực đưa ra năm 2016 vốn cấm cản nước này thăm dò tài nguyên ở các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.
"Bắc Kinh đã thất bại trong bài kiểm tra trở thành một công dân quốc tế tốt ở Biển Đông. Chúng ta cần nêu tên Trung Quốc và sử dụng hải quân của mình, hợp tác với các quốc gia khác để thực thi quyền đi lại vô hại qua các vùng biển quốc tế. Chính sách nhân nhượng không nên là một lựa chọn", bà Concetta nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Đảng tự do Australia Concetta Fierravanti-Wells. Ảnh: AAP |
Canberra trước đó bày tỏ quan ngại với các diễn biển căng thẳng mới đây trên Biển Đông, nhưng không đề cập trực tiếp tới Bắc Kinh.
Sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bà Concetta là người nổi tiếng với các tuyên bố cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh. Hồi tháng 10/2018, nữ chính khách này cáo buộc Bắc Kinh đang áp dụng chính sách "ngoại giao bẫy nợ" để đổi lấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Bà khẳng định Bắc Kinh đang lôi kéo các nước bằng các khoản vay không thể chi trả, một chiến lược không cần động binh nhưng vẫn hiệu quả.
Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông. Bắc Kinh 2 lần điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tới xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bất chấp các tuyên bố phản đối kịch liệt của Hà Nội. Giữa tháng 8, tàu khảo sát Đông Phương Hồng 3 khiến dư luận Philippines sục sôi khi xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực./.