Thụy Điển dần tiến tới ngưỡng 0% rác thải sinh hoạt
VOV.VN - Hơn 99% tổng lượng rác thải từ các hộ gia đình tại Thụy Điển được tái chế nhờ cuộc cách mạng về tái chế rác thải sinh học trong suốt mấy thập kỷ qua.
Sẽ rất tuyệt vời khi tất cả rác thải sinh hoạt đều được tái chế thành các nguồn năng lượng mới. Thụy Điển đã gần đạt tới ngưỡng như vậy. Hơn 99% tổng lượng rác thải từ các hộ gia đình tại quốc gia này đều đã được tái chế nhờ cuộc cách mạng về tái chế rác thải sinh học trong suốt mấy thập kỷ vừa qua.
Thụy Điển dần tiến tới ngưỡng 0% rác thải sinh hoạt. Ảnh: Sweden.se |
Theo quy định, tại Thụy Điển, các điểm tái chế rác thải phải được xây dựng trong vòng bán kính khoảng 300 mét từ các khu dân cư. Phần lớn người dân có các thùng phân loại rác ngay tại gia đình. Người Thụy Điển thường để riêng báo, đồ nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện tử, pin... vào thùng chứa riêng. Rác thải thực phẩm cũng sẽ được phân tách để tái sử dụng hoặc tái chế. Rác đã được phân loại sẽ được tập kết tới các thùng chứa đặc biệt ở các tòa nhà, các khu dân cư và sau đó được chuyển tới địa điểm tái chế. Tại đây, báo sẽ được nghiền thành bột giấy, chai lọ sẽ được tái sử dụng hoặc nung chảy để sản xuất các sản phẩm mới, rác thải nhựa sẽ được tái chế thành nhựa nguyên liệu, thực phẩm sẽ được ủ hoặc xử lý hóa học để trở thành phân bón hoặc khí sinh học.
Tại Thụy Điển, các xe chở rác thường chạy bằng năng lượng tái chế hoặc khí sinh học. Một số xe chở rác đặc biệt sẽ chạy quanh thành phố để thu nhặt các loại rác thải nguy hại như đồ điện tử hay hóa chất. Thuốc men người dân sử dụng còn dư sẽ được đưa tới các nhà thuốc để được xử lý an toàn. Những loại rác thải cỡ lớn như nội thất hư hỏng hay tivi cũ sẽ được đưa tới các trung tâm tái chế ở ngoại ô thành phố. Không những thế, tại thành phố Helsingborg, miền Nam Thụy Điển, các thùng chứa rác ở nơi công cộng được gắn loa phát nhạc, thu hút sự chú ý của người dân và khiến cho việc đổ rác trở thành một trải nghiệm vui vẻ.
Khoảng 1 nửa tổng lượng rác thải hộ gia đình của Thụy Điển được đưa tới các lò đốt để chuyển thành năng lượng. Những nhà máy đốt rác đầu tiên được xây dựng vào năm 1904. Vào thời điểm đó, phần lớn các nhà máy đốt rác được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá. Sau nhiều thập kỷ phát triển, công nghệ tái chế rác ngày càng trở nên hiệu quả và hệ thống các nhà máy đốt rác đã được nhân rộng trên khắp cả nước. Đến nay, tại Thụy Điển đã có 32 nhà máy tái chế rác thải
Thậm chí, năm 2015, quốc gia Bắc Âu này đã nhập khẩu 2,3 triệu tấn rác từ các nước như Anh, Na-uy, Ireland để làm nhiên liệu tạo ra điện năng. Điều này có vẻ như một nghịch lý khi một quốc gia nhập khẩu hàng triệu tấn rác thải. Tuy nhiên, Chính phủ Thụy Điển coi rác là một loại nhiên liệu giá rẻ để sản xuất điện năng. Ông Weine Wiqvist, Giám đốc điều hành của Hiệp hội quản lý và tái chế chất thải Thụy Điển (Avfall Sverige) cho biết:
“Số rác thải sinh hoạt này chúng tôi nhập khẩu từ Anh. Mỗi bọc rác này nặng khoảng 750kg, chúng sẽ cho lượng nhiên liệu tương đương 250 ki-lô-gam. Tôi nghĩ, rác thải đang trở thành một vấn đề toàn cầu, về lâu dài thì việc tái chế từ rác thải là một giải pháp tốt”
Sau quá trình đốt rác, lượng tro thu được chiếm khoảng 15% tổng trọng lượng rác thải ban đầu. Từ số tro này, kim loại sẽ được tách riêng và tái chế, phần còn lại sẽ được sàng lọc để đưa vào một số công trình xây dựng, ví dụ như làm đường. Khoảng 1% lượng rác thải không thể tái chế còn lại sẽ được đưa tới các bãi chôn lấp. Với công nghệ tiên tiến, khói từ các lò đốt rác của Thụy Điển bao gồm 99,9% carbon dioxide và nước nhưng vẫn sẽ được tiếp tục lọc qua các hệ thống lọc. Bùn từ hệ thống lọc này sẽ được sử dụng để lấp đầy các mỏ quặng bị bỏ hoang.
Trong năm 1975, chỉ có khoảng 38% lượng rác thải tại Thụy Điển được tái chế nhưng đến nay con số này đã đạt đến hơn 99%. Thụy Điển đang tiến gần đến ngưỡng không có rác thải. Đây có thể được coi là một cuộc cách mạng rác thải trong suốt những thập kỷ vừa qua./.
Ảnh: Khám phá khách sạn băng độc đáo ở Lapland (Thụy Điển)
Giải thưởng Nobel và những “thương hiệu Thụy Điển” toàn cầu