Tiết lộ số lượng tổ hợp Patriot mà Ukraine đang sở hữu
VOV.VN - Hiện nay, Ukraine được cho là đang sở hữu ít nhất 2 tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết nước này cần ít nhất 7 hệ thống Patriot để bảo vệ các thành phố lớn.
Truyền thông đưa tin, Mỹ đã thông qua việc chuyển hệ thống tên lửa Patriot thứ hai cho Ukraine giữa bối cảnh nước này đối mặt với các cuộc tấn công của Nga.
Theo New York Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua quyết định này vào tuần trước sau các cuộc thảo luận về cách thức hỗ trợ các nhu cầu phòng không của Ukraine mà không làm giảm mức độ sẵn sàng của quân đội Mỹ.
Tổ hợp tên lửa Patriot do nhà thầu quốc phòng Raytheon thiết kế, là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Lầu Năm Góc. Nó bao gồm 1 hệ thống radar mạnh mẽ và bệ phóng di động có thể đánh chặn các tên lửa đang lao tới.
Hiện nay, Ukraine được cho là đang sở hữu ít nhất 2 tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot. Một hệ thống được Mỹ hỗ trợ từ trước và hệ thống còn lại được Đức và Hà Lan cung cấp. New York Times dẫn lời các quan chức cho biết hệ thống Patriot mới được thông qua dự kiến sẽ được triển khai trên tiền tuyến Ukraine trong những ngày tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này cần ít nhất 7 hệ thống Patriot để bảo vệ các thành phố lớn. Ông cũng cho biết Nga đã phóng khoảng 3.000 tên lửa, UAV và các vật thể khác vào Ukraine mỗi tháng.
Tuy nhiên, hệ thống Patriot có giá 1 tỷ USD đang có nhu cầu cao trên thế giới. Mỹ và một số quốc gia triển khai Patriot cho biết họ hầu như không còn dự trữ nhiều hệ thống này. Chỉ có 14 hệ thống được triển khai trên toàn cầu.
Đầu tuần này, Đức cam kết sẽ cung cấp thêm một hệ thống Patriot cho Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo Berlin sẽ cung cấp hệ thống này cùng với pháo phòng không tự hành Gepard và hệ thống phòng không IRIS-T.
Lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần hối thúc đồng minh cung cấp thêm hệ thống Patriot và các hệ thống phòng không khác khi Nga tăng cường tấn công trên không. Tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về hệ thống Patriot để bảo vệ các khu vực quan trọng như Kharkov và Odesa.
Tổng thống Zelensky cũng vận động hành lang để được cung cấp thêm tổ hợp phòng không tiên tiến này nhằm "bảo vệ hoàn toàn Ukraine". Một số nước NATO, trong đó có Đan Mạch và Na Uy đã nhất trí cung cấp 100 tên lửa đánh chặn để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ chủ trì một cuộc họp ở Brussels ngày 13/6 (giờ địa phương) để thảo luận về các nhu cầu vũ khí của Ukraine với trọng tâm là vũ khí phòng không. Cuộc họp có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng và quan chức quân sự cấp cao từ gần 50 quốc gia thảo luận về tình hình xung đột ở Ukraine.