Tiết lộ về hệ thống phòng không tiên tiến Mỹ sắp cung cấp cho Ukraine

VOV.VN - Lầu Năm Góc sẽ cung cấp 2 hệ thống phòng không NASAMS hiện đại đầu tiên cho Ukraine trong 2 tháng tới. Đây là loại vũ khí mà Kiev đã hối thúc Washington cung cấp từ đầu năm nay.

Chuẩn tướng Pat Ryder thuộc Lực lượng Không quân Mỹ nhận định với báo giới tại Lầu Năm Góc ngày 27/9 rằng sẽ có thêm 6 hệ thống vũ khí do Na Uy sản xuất này được cung cấp cho Ukraine trong tương lai. Những bài báo gần đây nói rằng một số hệ thống NASAMS do Mỹ cung cấp đã được sử dụng ở Ukraine là không chính xác.

Hệ thống NASAMS có thể phát hiện và nhắm trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 180 km. Chuẩn tướng Pat Ryder nhận định ngày 16/9 rằng, các hệ thống này có vai trò quan trọng ở Ukraine bởi chúng có thể làm gián đoạn các mối đe dọa của kẻ thù từ chiến đấu cơ, UAV và tên lửa.

NASAMS được sử dụng cho các mục đích phòng thủ và hiện có 12 quốc gia sở hữu hệ thống này, gồm: Mỹ, Na Uy, Phần Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Oman, Litva, Indonesia, Australia, Qatar, Hungary...

Được phát triển bởi Raytheon và Kongsberg Defence & Aerospace, NASAMS có radar Sentinel, 1 tên lửa không đối không tầm trung hiện đại và 1 trung tâm phân phối hỏa lực.

Raytheon gọi các tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến này là "vũ khí chiếm ưu thế trên không đã được chứng minh qua chiến đấu hiện đại nhất thế giới". Nó đã tồn tại trong 3 thập kỷ và liên tục được nâng cấp với những thiết kế và khả năng mới.

Tháng 4/2021, tại Trung tâm vũ trụ Andoya ở Na Uy, Raytheon và Kongsberg đã hoàn tất một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật phiên bản tầm xa của tên lửa này để cải thiện dữ liệu bay cho các thuật toán phần mềm trong tương lai.

Bệ phóng NASAMS mới được tận dụng để tương thích với kích cỡ lớn hơn của tên lửa "có thể đánh chặn ở tầm xa hơn và độ cao lớn hơn".

Trung tâm phân phối hỏa lực là một module chỉ huy quản lý chiến trường, có thể di động và tương thích với những công nghệ mới để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Mỹ về việc cung cấp hệ thống NASAMS cho Kiev song vẫn yêu cầu Washington hỗ trợ nhiều vũ khí hơn.

NASAMS là hệ thống phòng thủ tầm trung và tầm xa nhằm phản ứng trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Việc Mỹ cung cấp các hệ thống vũ khí này cho Ukraine diễn ra giữa bối cảnh các vùng lãnh thổ của Ukraine ở phía Nam và phía Đông tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga.

Các cuộc trưng cầu ý dân trên đã bị Mỹ và đồng minh coi là bất hợp pháp và cho rằng, đây là cái cớ để Moscow sáp nhập các vùng lãnh thổ này.

Ông Ryder cho biết, Mỹ không nhận thấy có sự thay đổi lớn của Nga về lực lượng nhằm tăng cường hoặc bảo vệ 4 khu vực này, thậm chí cả khi Moscow huy động 300.000 lính dự bị động viên để chiến đấu ở Ukraine.

Ông Ryder cũng nhận định, bất chấp những cảnh báo của các nhà lãnh đạo Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ - trong đó bao gồm cả những vũng lãnh thổ sáp nhập, Washington sẽ không điều chỉnh lập trường hạt nhân của mình trong thời điểm này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên