Tìm hiểu kho vũ khí hạt nhân của Nga
VOV.VN - Ngoài các loại vũ khí hạt nhân chiến lược, Nga cũng sở hữu nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Những lời cảnh báo về sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga Putin trong thời gian gần đây đã khiến các cường quốc trên thế giới lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân. Cuối tuần qua, Công ty tình báo ImageSat International (ISI) của Israel cho biết họ đã phát hiện thấy sự hiện diện bất thường của máy bay ném bom chiến lược TU-160 và TU-95 tại căn cứ không quân Olenya của Nga gần Phần Lan. Cả hai máy bay này đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Theo một bài báo do Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) đăng tải, Tu-160 là máy bay ném bom chiến lược, được chế tạo để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ việc bay tầm thấp với tốc độ cận âm đến việc bay tầm cao với tốc độ trên Mach 1. Hai khoang chứa vũ khí của máy bay có thể chứa nhiều loại vũ khí thích hợp với các nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa dẫn đường tầm ngắn, bom thường, bom hạt nhân và mìn”.
Ngoài các loại vũ khí hạt nhân chiến lược, Nga cũng sở hữu nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật. Một số nhân vật có quan điểm cứng rắn tại Nga cho rằng, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp ở Ukraine.
Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân?
Báo cáo của FAS năm 2022 cho rằng Nga có 5.977 vũ khí hạt nhân. Trong số này có 1.588 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai, tức là chúng đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hoặc trên các tàu ngầm và trong tình trạng sẵn sàng cao. Số còn lại trong tình trạng dự bị hoặc đã nghỉ hưu. Nhìn chung kho vũ khí hạt nhân của Nga đã giảm đáng kể so với con số 40.000 vào những năm 1980. Kể từ năm 2000, quy mô kho vũ khí hạt nhân Nga bị cắt giảm sâu hơn, từ 10.000 tên lửa có mạnh hủy diệt xuống còn hơn một nửa.
Các loại vũ khí hạt nhân
Nga có 812 tên lửa đạn đạo đối đất gắn đầu đạn hạt nhân. Trong số này có 512 tên lửa được đặt trên tàu ngầm và có thể phóng từ biển. Nga được cho là có thêm 200 tên lửa tại các căn cứ của máy bay ném bom hạng nặng. Ngoài ra còn rất nhiều vũ khí hạt nhân mà nước này đang cất giữ trong kho dự trữ, trong đó có 977 đầu đạn chiến lược và 1.912 đầu đạn phi chiến lược.
Vũ khí hạt nhân của Nga mạnh mức nào?
Đương lượng nổ của bom hạt nhân được đo bằng kiloton hoặc TNT. Những quả bom hạt nhân nhỏ có đương lượng nổ 1 kiloton, tương đương 1.000 tấn TNT. Những quả bom lớn hơn sẽ có đương lượng nổ trên 100 kiloton. Còn vũ khí hạt nhân chiến lược có đương lượng nổ 1.000 kiloton. Quả bom hạt nhân lớn nhất của Nga - bom Sa hoàng, thử nghiệm vào năm 1961 có sức công phá khoảng 50 megaton hay 50 triệu tấn TNT.
Những hệ thống Nga sử dụng để triển khai vũ khí hạt nhân?
Một trong những hệ thống điển hình mà Nga sử dụng để trên khai vũ khí hạt nhân là tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-18 nặng 211 tấn. Tên lửa có chiều dài 32,2m, đường kính 3,05m, tầm bắn từ 10.200-16.000km. SS-18 có thể được trang bị đầu đạn hạng nặng đơn nhất có sức công phá lên tới 20-25 megaton hoặc 10 đầu đạn MIRV (đa đầu hướng) với sức công phá mỗi đầu đạn đạt 500-1.300 kiloton. Tên lửa sử dụng động cơ đẩy hai giai đoạn, dùng nhiên liệu lỏng. Tuy vậy, hầu hết các tên lửa cũ này đã bị loại biên và phiên bản nâng cấp của nó có một đầu đạn lớn hoặc có nhiều đầu đạn.
Nga đã và đang phát triển một loại tên lửa mới SS-X-30 (còn gọi là Sarmat hay RS-28) nhằm thay thế cho SS-18. Sarmat là một trong 6 vũ khí tấn công chiến lược của Nga mà Tổng thống Putin từng tuyên bố chưa có nước nào sở hữu ngoài Nga. Sarmat có tầm bắn gần 18.000 km và mang theo từ 10 -15 đầu đạn đa đầu hướng tiếp cận độc lập (MIRV), sức công phá 50 megaton, kèm theo nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương. Trong tương lai, nó có thể được lắp đầu đạn siêu vượt âm Avangard hoặc nhiều loại phương tiện lướt siêu vượt âm.
Bên cạnh đó, Moscow còn một hệ thống khác là tên lửa SS-27, được đưa vào sử dụng từ năm 1997. Tên lửa này có rất nhiều phiên bản khác nhau. SS-27 là tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụn nhiên liệu rắn, có thể mang đầu đạn nặng 1,2 tấn, tầm bắn 11.000km. Ban đầu Nga tìm cách chế tạo 350 tên lửa loại này nhưng sau đó Moscow bắt đầu chuyển sang phát triển tên lửa SS-24. SS-24 có thể mang 10 đầu đạn tương đương với 10 đến 35 vạn tấn thuốc nổ. Tên lửa này được triển khai trên hệ thống đường sắt.
Tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm
Đối với hạm đội tàu ngầm có thể mang tên lửa có khả năng hạt nhân, Nga có 2 loại là tên lửa cũ R-29RM Shtil (tên ký hiệu NATO SS-N-23 Skiff) và tên lửa hiện đại hơn R-29RMU2 Sineva. Những tên lửa này có tầm hoạt động 8.300km, mang theo đầu đạn nặng 2,8 tấn và tối đa 4 đầu đạn. Tên lửa dùng động cơ đẩy 3 tầng sử dụng nhiên liệu lỏng có chiều dài 14,9m, chiều ngang 1,9m. Chúng được phát triển vào năm 1973 và thử nghiệm vào những năm 1980. Nga từng có hơn 100 tên lửa loại này và đã thực hiện nhiều hoạt động nâng cấp cũng như kéo dài tuổi thọ của chúng.
Tên lửa hạt nhân phóng từ trên không
Nga đang hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược TU-95 (NATO định danh là 'Bear') - đối thủ của pháo đài bay B-52. Tupolev Tu-95 được Liên Xô chế tạo trong Chiến tranh Lạnh, phục vụ từ năm 1956, trọng lượng rỗng 90 tấn, đầy tải 171 tấn, tầm bay 15.000 km. Phiên bản nâng cấp của máy bay này có thể mang tên lửa hành trình Kh-55, Kh-101 hoặc Kh-102 có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân. Kh-55 được biên chế cho quân đội vào năm 1984 với vai trò là tên lửa hành trình phóng từ trên không được trang bị vũ khí hạt nhân. Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 200 kiloton, được coi là đối trọng với tên lửa hành trình AGM-86 ALCM của Mỹ.
Kh-55 được triển khai cùng với các máy bay ném bom chiến lược là TU-95 MS và TU-160. Mỗi chiếc TU-95 MS có thể mang 6 tên lửa hành trình X-55, được bố trí trong khoang chứa bom của máy bay. TU-160 là một loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa 4 động cơ do Phòng thiết kế Tupolev phát triển vào những năm 1980. Đây là máy bay ném bom hiện đại của Nga, có thể mang theo tên lửa hạt nhân tầm ngắn Kh-15. Trọng lượng cất cánh tối đa của Tu-160 là 275 tấn và tải trọng chiến đấu tối đa là 45 tấn. Tu-160 có trần bay 16km, tốc độ 2.230 km /h, phạm vi bay tối đa 14.000 km, có thể bay liên tục trong nhiều giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.
Tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất
Nga có tên lửa hành trình đất đối đất Novator 9M729 (tên định danh NATO là SSC-8) từng bị Mỹ liệt vào loại "tên lửa gây tranh cãi" với cáo buộc vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Novator 9M729 có chiều dài khoảng 6 đến 8 m và đường kính 0,533 m. Với hành trình bay phức tạp, tích hợp hệ thống dẫn đường Glonass và GPS, tên lửa SSC-8 được cho là có thể xuyên thủng các lá chắn hiện đại nhờ. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Tướng John Hyten thừa nhận, SSC-8 có thể đánh bại chắn phòng thủ của Mỹ và châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn./.