Tìm kiếm thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột tại Libya
VOV.VN - Ngày 21/1, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry cho rằng thỏa thuận hòa bình Libya do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn là cơ chế tốt nhất để hợp nhất các phe phái.
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 10 của nhóm các nước láng giềng với Libya bao gồm Tunisia, Algeria, Sudan, Niger, Cộng hòa Chad, cùng đặc phái viên của LHQ về Libya Martin Kobler và một đại diện của Liên minh châu Phi (AU), diễn ra ở thủ đô Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho rằng một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột tại Libya do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vẫn luôn là cơ chế tốt nhất để hợp nhất các phe tham chiến tại quốc gia này.
Quan chức ngoại giao các nước láng giềng với Libya họp bàn giải pháp hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này. Ảnh: AP. |
Ông Shoukry nêu rõ: “Hiện nay, có rất nhiều nỗ lực nhằm đưa lãnh đạo các phe tham chiến ở Libya tham gia cuộc đối thoại trực tiếp để củng cố niềm tin, tăng cường sự hiểu biết, thu hẹp bất đồng và tim kiếm một quan điểm chung. Chúng tôi cho rằng, điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân Libya. Những tuyên bố quy định các cơ quan và thể chế hợp pháp của Libya cùng với thỏa thuận hòa bình về Libya do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ký kết ở thành phố Skhirat, miền bắc Morocco được coi là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự ổn định tại Libya.”
Ông Sameh Shoukry hối thúc quân đội quốc gia Libya nỗ lực hơn nữa để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, bảo vệ nền độc lập và xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố. Ông cũng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Libya để cho phép quân đội nước này được tái trang bị khí tài quân sự.
Tại cuộc họp, các Ngoại trưởng tham dự kêu gọi đối thoại chính trị thay vì sử dụng vũ lực quân sự như là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời khẳng định rằng cuộc chiến chống khủng bố tại Libya phải được tiến hành theo các quy định của pháp luật quốc tế.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo tại Libya, kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp với chính quyền hợp pháp của Libya để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là thuốc men và vật tư y tế.
Libya phải chịu tình trạng chia rẽ chính trị giữa các chính phủ đối địch bất chấp việc các bên đã ký thỏa thuận hòa bình Skhirat dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc hồi tháng 12/2015.
Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Serraj đã được thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tripôli từ ngày 30/3/2016.
Mặc dù vậy, cho đến nay Chính phủ đoàn kết dân tộc vẫn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong bối cảnh quốc hội do dân bầu hiện đang đóng tại Tobruk, miền Đông Libya, vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này trong khi chính quyền tự xưng ở Tripoli lại không muốn từ bỏ quyền lực./.