Tình cảnh phiến quân ở Aleppo

(VOV) - Được phương Tây hậu thuẫn và từng có ưu thế nhất định, phe đối lập Syria giờ phải co cụm ở thành phố này và chịu nhiều khó khăn.

Đã có những thời điểm tưởng chừng phiến quân Syria làm lung lay chế độ đến nơi khi họ đánh chiếm được nhiều khu vực thuộc thủ đô Damascus và thành phố Aleppo, đưa ngọn lửa chiến tranh đến sát các cơ quan đầu não, và đánh bom sát hại cả bộ trưởng và thứ trưởng quốc phòng Syria cùng hai quan chức cấp cao khác.

Nhưng rồi với thực lực của mình, quân đội Syria đã khẩn trương tổ chức lực lượng phản kích, cơ bản đẩy lui phiến quân khỏi thủ đô và nhiều khu vực của Aleppo, chặn đứng giấc mơ của phe đối lập muốn nhanh chóng biến Syria thành một Libya thứ 2.

Thực lực quân đội Syria còn mạnh

Giới phân tích nhận định, dù mất một số quan chức đầu ngành và có nhiều vụ đào tẩu của tướng lĩnh, quân đội quốc gia Syria vẫn còn “sung sức” và Tổng thống Assad không thiếu các lá bài cho chiến cuộc Syria.

Lính FSA khiêng 1 đồng đội tử trận do đường đạn chính xác của 1 tay súng bắn tỉa thuộc quân đội chính phủ (ảnh: Reuters)

Tờ Người bảo vệ của Anh gần đây khẳng định Tổng thống Assad có thể dùng đến nước cờ biến Syria thành một Lebanon thứ 2. Trên thực tế, ông Assad đã cho rút quân khỏi những khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì tuyên bố Tổng thống Assad đã mời Đảng Công nhân người Kurd (PKK) quay trở lại. Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách nhiệm cho PKK và tình báo Syria về một vụ đánh bom nhằm vào 1 đồn cảnh sát gần biên giới tây nam nước này.

Vẫn theo tờ báo này, ông Assad đang cố hết sức để kích động Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ Syria. Các trận đấu súng cũng đã nổ ra giữa các phe phái đối lập ở  thành phố Tripoli của Lebanon, khiến người ta lo ngại về nguy cơ xung đột sẽ lan rộng trong khu vực. Đấy là chưa tính đến khả năng tham chiến của 2 đồng minh quan trọng của Syria là tổ chức Hezbollah ở Lebanon và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Trong bối cảnh ấy, tương lai của phiến quân và phe đối lập Syria trở nên mờ mịt.

Tại Aleppo, lực lượng phiến quân  - bao gồm nhóm “Quân đội Syria Tự do” (FSA) - chỉ có khoảng 4.000 tay súng và nắm giữ 30% diện tích, nằm ở phía Đông. Quân chính phủ kiểm soát phần phía Tây thành phố này.

Có 1 điều thú vị là mặc dù được trang bị mạnh hơn nhưng chính phủ Syria chỉ tập trung bố trí quân cho một mặt trận, là quận Salaheddine ở mạn tây nam, và chưa muốn tung hết lực lượng bộ binh vào trận để tái chiếm khu vực phía Đông, mà thay vào đó, tích cực dùng chiêu pháo kích và oanh tạc bằng không quân. Theo Người bảo vệ, một nguyên nhân có thể là Syria sợ binh lính sẽ đào ngũ khi tiến sâu về phía trước và tách rời sĩ quan chỉ huy.

Nhưng ngay cả khi ấy, tình cảnh của phiến quân vẫn khá bi đát. Một điều thấy rõ là họ đang trong thế kẹt, tiến thoái đều dở. Không đủ vũ khí để bắn hạ chiến đấu cơ của không quân Syria nhưng cứ lồ lộ ra thành mồi ngon cho trực thăng chiến đấu của ông Assad.

Phiến quân đục lỗ trên tường nhà để di chuyển quanh thành phố mà không phải ra đường nhiều (ảnh: Reuters)

Chỉ khi nào đương đầu được với máy bay, thì phiến quân mới có hy vọng cải thiện tình hình tại thành phố Aleppo có vai trò chiến lược đối với tình hình Syria hiện nay. Hình ảnh phổ biến ở đây là một chiếc phản lực hoặc trực thăng của chính phủ lao tới phóng rocket hoặc xả súng máy xuống bên dưới, còn phiến quân đáp lại bằng những loạt đại liên nhưng không gây hề hấn gì cho máy bay chính phủ.

Jaafar Furad, một tư lệnh phiến quân, tâm sự với phóng viên Chulov của Người bảo vệ: “Chúng tôi thực sự cần phải có ai đó có khả năng bắn hạ những chiếc máy bay này”.

Dân chúng thờ ơ với phe nổi dậy

Thiếu vũ khí đã đành, phiến quân cũng không được lòng dân chúng, dù họ luôn miệng tuyên bố là đấu tranh cho dân chủ, dân sinh và một nước Syria mới công bằng cho tất cả mọi người.

Theo ghi nhận của Người bảo vệ, chính các thành viên của phe nổi loạn đã công khai thừa nhận, đa số dân chúng Aleppo không ưa gì họ. Các chiến binh không được xem như những người giải phóng, mà chỉ như những kẻ gây ra khổ đau. Dân Aleppo đổ lỗi về các hoạt động quân sự cho FSA hơn là chỉ trích chính phủ về các biện pháp quân sự quyết liệt. Nói chung, phe phiến loạn không giành được nhiều sự ủng hộ như họ có ở vùng nông thôn.

Một tư lệnh phiến quân khác, Sheikh Abu Sleiman, gặp Chulov trên nền nhà của “tổng hành dinh mới thứ 4” của mình sau khi 3 trụ sở trước đó bị không quân chính phủ ném bom.

“Đô thị thuộc về bọn họ [chính phủ]. Chúng tôi đang nói [với dân địa phương] rằng chúng tôi sẽ chỉ ở đây đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ là loại bỏ các phần tử theo Assad, và khi xong nhiệm vụ, sẽ rời bỏ nơi đây để họ [người dân] xây dựng lại thành phố theo cách họ muốn.”

Sleiman kể cho phóng viên việc ông ta tới thăm 1 nhà thờ hồi giáo ở phía bắc thành phố, rồi nói qua micro với người dân rằng lực lượng của ông hiểu những khổ sở vất vả của dân chúng, và Aleppo sẽ lại là của người dân một khi quân nổi dậy hoàn thành nhiệm vụ. “Chúng tôi chú ý cẩn thận đến nhu cầu của họ và ý thức được rằng những gì đang diễn ra làm đảo lộn cuộc sống của người ta.”

Một chiến binh FSA vác xác đồng đội ra khỏi  khu vực giao tranh (ảnh: Reuters)

Cho đến nay, trao đổi giữa phiến quân và dân địa phương rất hạn chế và thuần túy mang tính dân sự. Phe phiến quân tỏ ra cố gắng thân thiện với dân địa phương.

Theo mô tả của Chulov, một thanh niên 23 tuổi trong phe nổi dậy ở thị trấn al-Bab khi thấy một người đàn ông đứng tuổi, đã nhắc nhở, “Chú ơi, đi về hướng đó nhớ cẩn thận nhé. Coi chừng máy bay, nó vừa ném bom cách đây 300m”. Người đàn ông vừa nghển cổ lên thì chiếc phản lực chúc xuống rồi phóng 2 quả rocket vào một tòa nhà.

Trong khi đó, một ông cụ khác chậm chạp leo lên một ngọn đồi, vượt qua 1 giao lộ rồi tiến về vị trí của phiến quân trong lúc 1 chiếc trực thăng lượn trên cao vẻ hăm dọa.

“Dạ, cụ đi đâu thế ạ?” một chiến binh hỏi ông già, người sau đó trả lời là muốn đi nhà thờ.

Tay phiến binh chỉ tay về phía nhà thờ, nhưng cảnh báo “chỗ đó nguy hiểm lắm, cụ phải về nhà thôi”. Anh này sau đó mời cụ già 1 cốc nước. Các chiến binh kéo ghế cho cụ ngồi rồi hỏi, “giữa quân chính phủ và quân FSA, ai tốt hơn?” Cụ già vẫy tay, bảo “ta thề là ta chả biết đâu”.

Thi thể phiến quân được tuồn qua các lỗ đục trên tường từ nhà này sang nhà khác để đưa về cho gia đình người tử trận (ảnh: Reuters)

Cũng theo tường trình của Chulov, chiến sự diễn ra rất ác liệt ở vùng phụ cận và trên đường phố, đôi khi là từ phòng này sang phòng khác, hai bên cách nhau chỉ có 1 bức tường.

Chulov cho hay, phiến quân, kể cả các chiến binh hải ngoại sang giúp đỡ phe đối lập, đã tạo đường thông giữa các bức tường trong các ngôi nhà và sử dụng đường này để hạn chế thương vong do hỏa lực bắn tỉa khi đi tới các điểm giao tranh/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên