Tố Syria dùng vũ khí hoá học: Cớ để gây chiến?
(VOV) - Thế giới đang nóng lên quanh các tranh cãi về vũ khí hóa học tại Syria và khả năng Mỹ lấy cớ để can thiệp.
Vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syria vẫn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi trong mấy ngày qua. Điều khiến thế giới nóng lên không chỉ vì quan ngại chuyện vũ khí hoá học được sử dụng tại Syria, mà còn lo cho viễn cảnh Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự vào nước này, tạo thêm một “thiên đường mới” cho lực lượng khủng bố al-Qaeda bên cạnh Iraq và Libya.
Phe Cộng hòa Mỹ “tấn công” trước
Hôm 28/4, các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Mỹ kêu gọi chính quyền Washington can thiệp quân sự vào Syria do thông tin quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học.
Hạ nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện kêu gọi nước Mỹ phải hành động ngay lập tức. Ông mô tả các thông tin tình báo mật cho thấy đã có đủ bằng chứng xác minh quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học cỡ nhỏ trong hai năm qua.
Bức ảnh được cho là chụp nạn nhân vũ khí hóa học tại Syria (ảnh: times.co.uk) |
“Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng quốc tế tới Syria và đảm bảo những vũ khí hóa học, và có thể là cả vũ khí sinh học, không rơi vào tay các nhóm Hồi giáo cực đoan,” ông McCain nói. “Nói cách khác, cần phải kết thúc việc sử dụng các vũ khí này tại các khu vực khác ở Trung Đông. Do đó, một nhóm quốc tế cần được lên kế hoạch và sẵn sàng hành động.”
Truyền thông Syria tố ngược
Tuy nhiên, chính phủ Syria cùng các phương tiện truyền thông của nước này đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ đồng thời cáo buộc lại Washington và các đồng minh phương Tây đang khuấy động những lời buộc tội chống lại chính phủ Syria nhằm lặp lại kịch bản tại Iraq.
Tờ "al-Watan" thân chính phủ Syria hôm qua cho biết, nhiều binh sĩ nước này chiến đấu với lực lượng chống đối ở khu vực giáp thủ đô Damascus đã có các triệu chứng bị phơi nhiễm với khí độc.
Tờ báo chỉ rõ, nhiều binh sĩ đã được đưa đến bệnh viện quân y Hamish ở Damascus vào đầu tuần này với các triệu chứng hít phải chất khí hóa học sau khi quân chống đối bắn một quả đạn cối vào vị trí của quân chính phủ ở khu vực Brzeh giáp thủ đô.
Các triệu chứng mà binh sĩ mắc phải bao gồm nghẹt thở, buồn nôn, mũi và miệng chảy chất dịch màu trắng.
Trước thông tin này, ông Hassan Abu Fakher, bác sĩ bệnh viện Damascus cho rằng: “Để sự thật được phơi bày, đầu tiên chúng ta nên kiểm tra lâm sàng đồng thời tiến hành xét nghiệm máu của các binh sỹ này. Tuy nhiên cũng mất khá nhiều thời gian trước khi có kết quả cuối cùng”.
Tờ "al-Watan" cũng nhận định rằng, Mỹ đã cố gắng gây áp lực với chính phủ Syria sau chiến thắng sâu rộng của quân đội Syria trước quân nổi dậy trên nhiều mặt trận, quan trọng nhất là ở ngoại ô Damascus.
Giới hòa bình e ngại
Trong khi đó, tại hội nghị hòa bình quốc tế về Syria tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua, nhiều đại biểu tham dự cuộc họp đã phản đối cáo buộc về việc lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm tiến hành can thiệp quân sự vào nước này.
Bà Cathy Goodman - nhà hoạt động xã hội thuộc Hội đồng Hòa bình Mỹ nhấn mạnh: “Điều tốt nhất, là người dân các nước gây sức ép lên chính phủ để chính phủ các nước này ngừng việc tài trợ cho tổ chức khủng bố có tên gọi là “quân đội Syria tự do” và để người dân Syria tự lựa chọn vận mệnh cho mình”.
Đại sứ Israel sợ manh động
Cũng liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, hôm 28/4, Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren cảnh báo, hành động quân sự nhằm đáp trả việc Syria bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học sẽ "rất phức tạp". Đại sứ Oren cho rằng, các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học có nguy cơ gây phương hại cho dân thường nếu chất độc bị phát tán, đó là chưa kể, theo luật pháp quốc tế thì người tấn công sẽ phải chịu trách nhiệm. Theo ông Oren, đây cũng là lý do mà Israel không thực hiện hay kêu gọi Mỹ có bất cứ hành động nào tại Syria.
Trước đó, hôm 25/4, Mỹ lần đầu tiên tuyên bố, nước này tin rằng, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có khả năng đã sử dụng vũ khí hóa học đối với lực lượng đối lập, mặc dù lưu ý thông tin của các cơ quan tình báo không chính xác 100%.
Tuy nhiên, theo một số quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Obama muốn có thêm những bằng chứng có tính thuyết phục vì lo ngại lặp lại bài học cách đây một thập kỷ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq với cái cớ nước này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng sau đó thực tế lại không phải như vậy.
Giới phân tích cho rằng, việc Nhà Trắng tuyên bố một cách mập mờ về khả năng Mỹ đã tìm thấy bằng chứng về vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria chỉ đơn thuần là một động thái nhằm gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống al-Assad./.