Tòa án Hiến pháp Thái Lan bác yêu cầu hủy kết quả bầu cử
VOV.VN -Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho rằng, không có đủ căn cứ để hủy kết quả bầu cử.
Theo AFP, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 12/2 đã bác yêu cầu của đảng chính trị đối lập đòi hủy bỏ kết quả của cuộc Tổng tuyển cử gây tranh cãi hôm 2/2 vừa qua. Hoạt động bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử này đã bị gián đoạn bởi các hoạt động chống phá của lực lượng biểu tình chống Chính phủ.
Người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan kêu gọi tẩy chay cuộc Tổng tuyển cử (Ảnh: AP) |
Tuyên bố của Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết, họ đã từ chối xét đơn yêu cầu của một luật sư đảng Dân chủ đòi hủy kết quả của cuộc Tổng tuyển cử vì không có đủ căn cứ cần thiết.
Cuộc Tổng tuyển cử ở Thái Lan vừa diễn ra được cho là một nỗ lực để xoa dịu làn sóng phản đối của những người biểu tình diễn ra hơn 3 tháng qua nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức.
Đảng Dân chủ đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử này vì cho rằng, nó không giúp ích cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay cũng như không thể xóa bỏ hoàn toàn được ảnh hưởng của ông Thaksin Shinawatra trên chính trường Thái Lan.
Trong khi đó, những người biểu tình mong muốn bà Yingluck phải từ nhiệm để nhường chỗ cho một “Hội đồng nhân dân” không thông qua bầu cử. Hội đồng này sẽ đóng vai trò là cơ quan lập pháp để sửa đổi các điều luật cũng như tiến hành các kế hoạch cải cách cho đất nước trước khi tiến hành tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Khi cuộc Tổng tuyển cử diễn ra, người biểu tình đã ngăn cản việc bỏ phiếu ở khoảng 10.000 điểm bỏ phiếu chủ yếu tại thành trì của lực lượng chống đối ở thủ đô Bangkok và khu vực miền Nam, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của hàng triệu cử tri Thái Lan.
Cơ sở pháp lý mà phe đối lập viện dẫn để kêu gọi hủy bỏ kết quả của cuộc Tổng tuyển cử hôm 2/2 đó là hoạt động bỏ phiếu đã không diễn ra trong cùng một ngày trên toàn lãnh thổ theo đúng quy định của Hiến pháp Thái Lan.
Theo AFP, Ủy ban bầu cử Thái Lan cho hay, kết quả cuộc Tổng tuyển cử sẽ không được công bố cho đến khi hoạt động bầu cử bổ sung được hoàn thành. Bà Yingluck cũng sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ lâm thời cho đến khi các vòng bỏ phiếu mang lại kết quả tối thiểu đủ 95% số nghị sỹ (475/500 người) để tổ chức phiên họp đầu tiên tại Hạ viện qua đó bầu ra Chính phủ và Thủ tướng mới.