Toàn thế giới gấp rút tìm thuốc chữa Ebola
VOV.VN - WHO vừa khẳng định việc sử dụng thuốc chưa được thử nghiệm trên người để điều trị Ebola không vi phạm đạo đức.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số người tử vong vì dịch bệnh Ebola tại Tây Phi đã lên tới 1.069 người. Các nước tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp, đẩy mạnh các biện pháp ứng phó trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Đồng thời, các chuyên gia y tế cũng đang gấp rút chạy đua nhằm sớm tìm ra một loại thuốc đặc trị cho căn bệnh chết người này.
>> Xem thêm: Những điều đáng sợ và không đáng sợ về virus Ebola
Hiện nhiều quốc gia Tây Phi đã buộc phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn virus Ebola phát tán mạnh.
Tổng thống Guinea Alpha Conde vừa tuyên bố dịch bệnh Ebola vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở quốc gia Tây Phi này là “tình trạng khẩn cấp y tế”. Trước đó, Tổng thống Nigeria cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cam kết sẽ chi 1,9 tỷ naira (hơn 11 triệu USD) để ngăn chặn Ebola. Tại Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria với hơn 20 triệu dân và hạ tầng y tế còn nghèo nàn thì virus Ebola đang gieo rắc một nỗi sợ hãi kinh hoàng cho người dân.
Trước tình hình bệnh dịch Ebola diễn biến phức tạp, các nước và các tổ chức quốc tế đang đẩy mạnh hỗ trợ những nước nằm ở tâm điểm của dịch bệnh.
Liên minh châu Phi vừa cam kết viện trợ 1 triệu USD để giúp ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi Canada cũng cho biết sẽ gửi khoảng 1.000 liều vaccine thử nghiệm Ebola đến Tổ chức Y tế thế giới để dùng cho khu vực Tây Phi. Một lô hàng thuốc thử nghiệm Ebola hôm qua cũng đã được vận chuyển bằng đường hàng không tới Liberia để điều trị cho hai bác sĩ bị nhiễm virus chết người này.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính an toàn của các loại thuốc thử nghiệm trong điều trị Ebola. Tuy nhiên, trong giai đoạn gấp rút hiện nay, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cách duy nhất để biết các loại thuốc có phát huy được hiệu quả hay không là thử nghiệm tại chính những nước đang bị dịch bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới cũng vừa khẳng định việc sử dụng thuốc chưa được thử nghiệm trên người để điều trị Ebola không vi phạm đạo đức trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh, cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. Tuy nhiên giới chức trách vẫn lưu ý rằng, cần có sự đánh giá thận trọng để đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh, đồng thời phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đạo đức khi điều trị như sự tự nguyện, tự do lựa chọn của người bệnh.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã vạch ra kế hoạch chi tiết nhằm ứng với dịch Ebola, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh phát tán.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới Gregory Hartl cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh Ebola bùng phát. Công việc chính hiện nay là cần xác định, cách ly các trường hợp nhiễm bệnh, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ những trường hợp đã được xác nhận là nhiễm bệnh, hay nghi ngờ nhiễm bệnh, cách ly họ nếu cần thiết. Cần đảm bảo rằng chúng ta kiểm soát được tất cả các mối liên lạc, và những trường hợp nghi nhiễm bệnh cần phải được theo dõi trong 21 ngày. Chúng ta cũng cần có những hỗ trợ hậu cần cần thiết, có phòng thí nghiệm, có người tới các cộng đồng dân cư, giải thích với người dân địa phương thế nào là dịch bệnh Ebola.”
Trong khi các chuyên gia y tế vẫn đang chạy đua với thời gian trong việc tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh chết người Ebola thì biện pháp ngăn ngừa hiệu quả duy nhất hiện nay chính là phong tỏa các ổ dịch, nhất là tại các khu vực biên giới giữa Guinea, Liberia và Sierra Leone./.
>> Xem thêm: Những điều đáng sợ và không đáng sợ về virus Ebola