Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc bị Lầu Năm Góc liệt vào danh sách đen
VOV.VN - Lầu Năm Góc đưa thêm 4 công ty Trung Quốc, trong đó có Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc, chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981, vào danh sách đen trừng phạt.
Nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất Trung Quốc và nhà sản xuất dầu khí quốc gia Trung Quốc đã bị Lầu Năm Góc đưa vào danh sách đen hôm 3/12 với cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định có 4 công ty Trung Quốc do quân đội nước này hoặc sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm: Tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế (Semiconductor Manufacturing International Corp - SMIC), Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp), Công ty Công nghệ Xây Dựng Trung Quốc (China Construction Technology Co. Ltd) và Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc (China International Engineering Consulting Corp).
Việc Lầu Năm Góc đưa thêm 4 công ty này vào danh sách đen hôm 3/12 đã nâng tổng số công ty bị trừng phạt lên tới 35.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cho rằng các công ty Trung Quốc thu thập thông tin nhạy cảm cho quân đội nước này. Đại cứ quán Trung Quốc tại Washington hiện vẫn chưa phản hồi về việc này.
Động thái trên có thể làm leo thang căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời gia tăng những vấn đề địa chính trị cấp bách mà Tổng thống đắc cử Joe Biden cần đối phó.
Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc đã tổ chức các cuộc thảo luận về việc có nên đưa Tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế của Trung Quốc vào danh sách các thực thể của Bộ Thương mại hay không, theo đó, hạn chế các công ty này nhận các loại hàng hóa nhất định được sản xuất ở Mỹ.
Cũng trong tháng này, Bộ Thương mại Mỹ thông báo một số công ty cần có giấy phép trước khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho tập đoàn trên sau khi kết luận rằng có một "rủi ro không thể chấp nhận được", đó là các thiết bị được cung cấp cho tập đoàn SMIC có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự. Hiện SMIC đang phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp Mỹ.
SMIC cũng được coi là người chơi chính trong nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp vật liệu bán dẫn nội địa của Trung Quốc, một tham vọng được củng cố trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát với SMIC sẽ có tác động đến các công ty Mỹ bán công nghệ sản xuất chip cho các nhà sản xuất Trung Quốc./.