Tổng thống Biden: Mỹ sẽ là kho vaccine trong cuộc chiến chống Covid-19
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/6 cho biết, việc tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước nghèo nhất, không đi kèm điều kiện ràng buộc, sẽ thúc đẩy cuộc chiến ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Trò chuyện cùng Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla tại khu nghỉ dưỡng ở Vịnh Carbis (Anh) trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Biden cảm ơn lãnh đạo các nước đã nhận ra trách nhiệm của họ trong việc tiêm vaccine cho toàn thế giới.
“Mỹ đang cung cấp nửa tỷ liều vaccine mà không đi kèm bất kỳ ràng buộc nào. Việc quyên góp vaccine của chúng tôi không có áp lực ủng hộ hay sự nhượng bộ. Chúng tôi làm điều này để cứu sống con người”, ông Biden nói.
Tổng thống Biden coi việc tài trợ vaccine là một động thái mạnh mẽ cho thấy Mỹ nhận trách nhiệm với thế giới và với công dân trong việc tiêm chủng.
“Mỹ sẽ là kho vaccine trong cuộc chiến chống Covid-19, giống như việc Mỹ là kho vũ khí của nền dân chủ trong Thế chiến thứ hai”, Tổng thống Biden nói thêm.
Đây là khoản tài trợ vaccine lớn nhất từ trước đến nay của một quốc gia, tiêu tốn của Mỹ 3,5 tỷ USD. Điều này sẽ thúc đẩy các khoản tài trợ lớn hơn từ các nhà lãnh đạo G7 khác, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Các nhà lãnh đạo G7 muốn tiêm chủng cho toàn thế giới đến cuối năm 2022 nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,9 triệu người trên thế giới, tàn phá nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người.
Cho tới nay, nỗ lực tiêm chủng đang gia tăng ở những nước giàu như Mỹ, Israel, Bahrain và một số nước châu Âu. 2,2 tỷ người đã được tiêm chủng trong tổng dân số gần 8 tỷ người trên thế giới, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Nhà sản xuất dược phẩm Pfizer và đối tác BioNTech đã đồng ý cung cấp cho Mỹ 200 triệu liều vaccine vào năm 2021 và 300 triệu liều vaccine vào nửa đầu năm 2022 để phân phối cho khoảng 100 quốc gia. Các liều vaccine, được sản xuất tại các cơ sở của Pfizer ở Mỹ, sẽ được cung cấp với giá phi lợi nhuận.
Giám đốc điều hành Pfizer Bourla cho biết, thế giới đang hướng về các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có để xem liệu họ có hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 và chia sẻ vaccine với các nước nghèo hơn hay không.
“Việc tài trợ vaccine của chính phủ Mỹ giúp chúng tôi tiến gần hơn đến mục tiêu của mình và nâng cao đáng kể khả năng cứu nhiều mạng sống hơn nữa trên toàn cầu”, ông Bourla nói.
Trong khi việc tài trợ vaccine số lượng lớn được nhiều người hoan nghênh, đã có những lời kêu gọi các quốc gia giàu có nhất trên thế giới mở rộng thêm kho vaccine khổng lồ của họ.
Nhóm chiến dịch chống đói nghèo Oxfam kêu gọi cần hành động nhiều hơn để tăng cường sản xuất vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
“Chắc chắn 500 triệu liều vaccine này sẽ giúp ích cho hơn 250 triệu người, nhưng đó vẫn là một con số nhỏ so với nhu cầu trên toàn thế giới”, Niko Lusiani, Trưởng nhóm vaccine của Oxfam, cho biết.
“Chúng tôi cần một sự chuyển đổi theo hướng sản xuất vaccine được mở rộng nhiều hơn để các nhà sản xuất trên thế giới đủ điều kiện sản xuất thêm hàng tỷ liều vaccine giá rẻ theo điều kiện của riêng họ, mà không bị ràng buộc về quyền sở hữu trí tuệ”, Niko Lusiani nói.
Một vấn đề khác đối với chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt ở một số nước nghèo, là cơ sở hạ tầng vận chuyển vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ rất lạnh./.