Tổng thống Indonesia thừa nhận biện pháp ngăn chặn Covid-19 không hiệu quả
VOV.VN - Thừa nhận các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 hiện nay là không hiệu quả, Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu các lực lượng chức năng đưa ra các biện pháp mới mạnh tay hơn.
Indonesia hiện đứng đầu châu Á về số trường hợp mắc Covid-19 đang hoạt động và số ca tử vong do đại dịch toàn cầu. Quốc gia này đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch toàn cầu, trong đó có Giới hạn xã hội quy mô lớn, Giới hạn xã hội quy mô lớn giai đoạn chuyển tiếp và hiện tại là Giới hạn các hoạt động cộng đồng tại đảo Java và Bali. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đã thừa nhận các biện pháp này là không hiệu quả.
Ông Widodo cho biết: “Tôi phải nói rằng Giới hạn các hoạt động cộng đồng từ ngày 13 đến 25/1 là không hiệu quả. Bản chất của giới hạn này là hạn chế tính di động của cộng đồng, nhưng những gì tôi thấy trong việc triển khai biện pháp là sự thiếu nhất quán khiến tính di động của cộng đồng vẫn rất cao. Do đó số ca mắc Covid-19 ở một số khu vực vẫn tiếp tục tăng. Tôi đề nghị phải thiết lập các chính sách hiệu quả và toàn diện hơn".
Nhà lãnh đạo Indonesia yêu cầu lực lượng chức năng đánh giá lại biện pháp đang triển khai. Theo ông, mặc dù các biện pháp hạn chế có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Tuy nhiên điều đó không đáng ngại, miễn là các ca mắc Covid-19 cũng giảm xuống.
Nhà dịch tễ học từ Hiệp hội các nhà dịch tễ học Indonesia (PAEI), ông Masdalina Pane cho rằng chiến lược xử lý của chính phủ là sai lầm ngay từ đầu. Chính phủ Indonesia phủ đã lãng phí rất nhiều tiền bạc và sức lực khi thực hiện một số chiến lược nhằm kiểm soát tính di chuyển của cộng đồng trong khi việc cần làm là phát hiện sớm các ca mắc Covid-19 và tiến hành điều trị ngay lập tức. Ông Masdalina Pane nhận định tình hình của Indonesia hiện tại như một quả bom hẹn giờ khi các ca mắc Covid-19 luôn được phát hiện muộn trong tình trạng nghiêm trọng khiến tỷ lệ tử vong ở mức cao. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia ghi nhận 1.099.687 ca mắc Covid-19, trong đó có 30.581 trường hợp đã tử vong./.