Tổng thống Iran bắt đầu chuyến công du châu Âu
VOV.VN - Ngày 2/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã rời thủ đô Tehran, bắt đầu chuyến công du châu Âu.
Chuyến công du lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Iran trong bối cảnh nước này đang chờ đợi nhận được gói đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các lợi ích của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Thụy Sỹ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: The Nation
Theo lịch trình, ông Rouhani thăm Thụy Sĩ trước khi tới thủ đô Vienna (Áo) vào ngày 4/7. Hiện Áo đã tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên EU và đây là cũng là nơi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết vào năm 2015 sau 11 năm đàm phán khó khăn. Trong khi đó, Thụy Sĩ là đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran, khi mà Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset đã đón tiếp ông Rouhani bằng các nghi lễ quân sự tại thành phố Zurich, sau đó hai nhà lãnh đạo đã tới thủ đô Bern để tiến hành một cuộc hội đàm không chính thức với sự tham gia của Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis và người đồng cấp Iran Javad Zarif.
Theo tuyên bố của chính phủ Thụy Sĩ, cuộc hội đàm chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 3/7. Theo đó, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những diễn biến mới nhất liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm tìm cách giữ vững những tiến triển đạt được như một kết quả của thỏa thuận, đồng thời đảm bảo không phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực bất chấp quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Các vấn đề khác như tình hình Trung Đông và mối quan hệ song phương cũng sẽ được thảo luận. Cuối cùng một số thỏa thuận và tuyên bố dự kiến được ký kết trong chuyến thăm.
Chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Rouhani diễn ra trong bối cảnh vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền Iran.
Mỹ gia tăng sức ép, Iran có đủ sức ứng phó?
Cuộc đọ sức giữa Mỹ và Iran về Kế hoạch Hành động chung toàn diện đặt châu Âu vào thế kẹt. Các tập đoàn của EU từng dấn thân vào thị trường Iran, nay phải rút khỏi đây trong vòng từ 90 đến 180 ngày.
Trong bối cảnh tiêu cực như vậy, một số công ty của Mỹ và EU cho biết có thể ngừng hoạt động kinh doanh với Iran. Các doanh nghiệp Thụy Sĩ đang làm ăn, hợp tác với Iran, đã bước đầu hạn chế các khoản đầu tư trong khi chờ đợi các quyết sách của Hội đồng Liên bang về khả năng một lệnh cấm vận. Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp khác lại đẩy nhanh việc giao hàng cho phía Iran trước khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Trung Đông này.
Chính vì thế, phát biểu tại sân bay trước khi lên đường thăm châu Âu, Tổng thống Iran Rouhani khẳng định, chuyến công du này sẽ là cơ hội để thảo luận về tương lai của thỏa thuận hạt nhân: “Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, tôi phải nói rằng Liên minh châu Âu đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện thỏa thuận này. Tôi nghĩ rằng, các bên cần có các cuộc đối thoại quan trọng và mang tính xây dựng hơn về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận một cách bất hợp pháp. Sự hợp tác giữa các nước sẽ đảm bảo sự an toàn và ổn định trong khu vực”.
Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp nhằm duy trì thương mại với Iran nhằm thuyết phục chính quyền Iran không rút khỏi văn kiện này. Hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tiết lộ 3 nước châu Âu và EU đã cam kết đưa ra một gói giải pháp thiết thực để đảm bảo các lợi ích của Iran trong thỏa thuận hạt nhân./.
Tổng thống Rouhani: Iran sẽ không đầu hàng trước áp lực từ Mỹ