Tổng thống Mỹ Trump gặp khó trong tìm kiếm thành công đối ngoại trước bầu cử
VOV.VN - Các nỗ lực của Tổng thống Mỹ Trump nhằm đạt được thành công trong chính sách đối ngoại trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới đang gặp khó khăn khi đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga đang bế tắc.
Điện Kremlin ngày 14/10 cho biết Nga chưa đạt được thỏa thuận về việc gia hạn với Mỹ về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới. Trong khi đó, Mỹ ngày 16/10 cũng đã từ chối đề xuất của Nga về việc gia hạn hiệp ước này trong ít nhất một năm mà không kèm điều kiện. Hiệp ước này được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực đến tháng 2/2021, cho phép mỗi bên triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Hiệp ước cũng giới hạn hai nước về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.
Bế tắc trong quá trình đàm phán khiến khả năng hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (03/11), một trong những thành tựu trong chính sách đối ngoại mà ông Donald Trump hy vọng có thể đạt được nhằm vận động cử tri bỏ phiếu cho mình.
Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí không ngạc nhiên trước những diễn biến vừa qua khi cho rằng Tổng thống Trump đã lãng phí phần lớn nhiệm kỳ của mình và chỉ thực sự quan tâm tới vấn đề đàm phán khi ngày bầu cử đang tới gần.
Kingston Reif, Giám đốc về chính sách giảm đe dọa và giải trừ quân bị tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, cho rằng “Chính quyền Tổng thống Trump không thực sự nghiêm túc trong việc đàm phán với Nga về việc gia hạn START mới cho tới mùa Xuân vừa qua. Chính quyền ông Trump đã lãng phí 3 năm rưỡi và không thực sự nỗ lực thúc đẩy kiểm soát vũ khí.”
Tổng thống Trump thời gian gần đây đã dựa vào các thành tựu trong chính sách đối ngoại trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong bối cảnh phải chịu nhiều chỉ trích trong công tác ứng phó với các vấn đề trong nước bao gồm cuộc khủng hoảng Covid-19 và căng thẳng sắc tộc.
Ông Trump đã đề cập tới việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, hứa sẽ đưa thêm nhiều binh sỹ Mỹ về nước nhằm thực hiện cam kết tranh cử là chấm dứt các cuộc chiến không hồi kết.
Ông Trump cũng đã làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain mà lễ ký được tổ chức tại Nhà Trắng. Ông Trump cũng tham gia giúp Serbia và Kosovo đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, đối với một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Nga cũng như với Trung Quốc, các nỗ lực của ông Trump đã không mang lại kết quả và các cuộc đàm phán dường như đang bế tắc. Tổng thống Trump đang tìm kiếm một thỏa thuận thay thế START mới vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 2 năm sau.
Chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden cho biết sẽ gia hạn hiệp ước này vốn được đàm phán dưới thời chính quyền Obama.
Tuy nhiên, ông Trump muốn một thỏa thuận mới bao gồm cả các loại vũ khí của Trung Quốc cũng như các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga. Mặc dù có kho vũ khí hạt nhân rất khiêm tốn so với của Mỹ và Nga, Bắc Kinh đã liên tiếp từ chối tham gia đàm phán. Trong khi đó, về phần mình, Nga đã đề xuất gia hạn START mới thêm 5 năm mà không cần điều kiện tiên quyết, tuy nhiên, đề xuất của Nga đã không được Mỹ chấp nhận.
Bất kể việc bị tình báo Mỹ cáo buộc tham gia vào chiến dịch phát tán thông tin sai lệch nhằm ủng hộ nỗ lực tái cử của ông Trump, việc Nga từ chối đề xuất của Mỹ về START mới được cho là do nước này đang mong đợi một thỏa thuận tốt hơn từ ông Biden.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien ngày 16/10 cũng thừa nhận rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể nằm trong tính toán của Nga. Theo ông O’Brien “Cũng như các nước khác, Nga có thể đang đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Rõ ràng là những gì sẽ diễn ra trong 18 ngày tới sẽ có thể làm thay đổi vị thế đàm phán của một số bên”.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea hôm 13/10 cho biết nước này "đạt thỏa thuận nguyên tắc" với Nga về gia hạn NEW START. Tuy nhiên, Nga sau đó bác tuyên bố này của Mỹ và cho rằng đề xuất của Mỹ là không chấp nhận được.
Tiếp đó, vào ngày 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp với Hội đồng An ninh cho biết START mới là một hiệp ước hoạt động hiệu quả, đồng thời bày tỏ sự đáng tiếc nếu hiệp ước này bị dừng lại. "Về vấn đề này, tôi đề xuất gia hạn hiệp ước hiện tại mà không cần bất kỳ điều kiện nào trong một năm, để có thể triển khai các cuộc đàm phán về mọi vấn đề quy định trong thỏa thuận", ông Putin nói. Nhưng chỉ vài giờ sau đó, phía Mỹ đã lên tiếng từ chối đề xuất của Tổng thống Putin.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O'Brien cho hay, Mỹ đã đề xuất gia hạn thỏa thuận thêm một năm, trong thời gian này việc triển khai toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược sẽ bị đình chỉ. "Việc Tổng thống Putin hôm nay đề xuất gia hạn NEW START mà không đóng băng toàn bộ đầu đạn hạt nhân là ý kiến không có khả năng thành công. Chúng tôi hy vọng Nga sẽ đánh giá lại lập trường của mình trước khi nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém", ông O'Brien quả quyết.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng gây sức ép đối với việc gia hạn START mới. Trong thư gửi các nhà lập pháp Mỹ trong tuần qua, hơn 75 nghị sỹ châu Âu đã kêu gọi quốc hội Mỹ gây sức ép đối với chính quyền về hiệp ước này. Nội dung bức thư nhấn mạnh: “Với nỗ lực bảo vệ sức khỏe và an ninh của hàng triệu công dân châu Âu, chúng tôi cảm thấy buồn khi START mới có thể hết hiệu lực trong vòng chưa tới 4 tháng. Chúng tôi kêu gọi các đồng nghiệp, các đại diện dân bầu ở Mỹ hành động về vấn đề này. Việc các thành viên quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ START mới cho chúng tôi hy vọng rằng các nỗ lực lưỡng đảng trong chính phủ Mỹ có thể giúp đảm bảo sự tồn tại của hiệp ước này”.
START mới là hiệp ước cuối cùng hạn chế hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới sau khi Tổng thống Trump, tiếp theo là Tổng thống Putin, rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung hồi năm ngoái. Nếu START mới hết hiệu lực, đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ không có một hiệp ước nào để hạn chế vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Laura Kennedy, một cựu Đại sứ Mỹ, cho biết cả Mỹ và Nga hiện nay dường như đang “muốn chứng tỏ mình là bên có lý thay vì có ý định thực sự nhằm đạt được 1 thỏa thuận”.
Trong khi đó Kingston Reif, Giám đốc về chính sách giảm đe dọa và giải trừ quân bị tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, dự báo số phận của START mới phụ thuộc vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ: “Ông Biden đã nói rõ sẽ ủng hộ việc gia hạn vì vậy tôi nghĩ rằng nếu ông ta thắng cuộc, chúng ta sẽ thấy cả hai phía sẽ tiến gần tới việc gia hạn thỏa thuận. Nhưng trong trường hợp ông Trump đắc cử, chúng ta cần đợi xem phía Nga có thay đổi quan điểm hay không hay chính quyền Tổng thống Trump có đưa thêm điều kiện vào đề xuất hiện tại của mình hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Trump tái cử, tôi nghĩ rằng tình hình sẽ rất ảm đạm đối với hiệp ước này./.