Tổng thống Nga và Thủ tướng Armenia thảo luận về tình hình nghiêm trọng ở Nagorno-Karabakh
VOV.VN - Ngày 27/09, Cục Báo chí Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian đã điện đàm về tình hình căng thẳng nghiêm trọng ở Nargorno-Karabakh.
Theo Điện Kremlin, "Phía Nga bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc khôi phục các cuộc đụng độ vũ trang quy mô lớn. Cần lưu ý rằng, điều quan trọng bây giờ là phải thực hiện tất cả các nỗ lực cần thiết để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của cuộc đối đầu và quan trọng nhất là cần phải ngăn chặn các hành động quân sự”.
Tình hình trên tuyến giáp giới ở Nagorno-Karabakh đã leo thang vào sáng 27/9. Nước cộng hòa không được công nhận tuyên bố rằng, quân đội Azerbaijan đã nổ súng vào lãnh thổ của họ, bao gồm cả thủ đô Stepanakert. Có thương vong trong dân thường.
Baku và Yerevan đổ lỗi cho nhau về việc làm trầm trọng thêm tình hình. Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố rằng, phía Armenia đã bắt đầu cuộc pháo kích vào các khu dân cư trên tuyến giáp giới ở Karabakh và các lực lượng Azerbaijan đang tiến hành một chiến dịch phản công. Quân đội Armenia nói rằng, Karabakh đã phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và đường không từ Azerbaijan.
Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan cho biết, 16 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng, 100 người khác bị thương trong cuộc giao tranh trên tuyến giáp giới với Azerbaijan. Theo Bộ Quốc phòng Armenia, Karabakh "đã bị tấn công bằng tên lửa và đường không," phía Armenia đã bắn hạ 2 trực thăng và 3 máy bay không người lái của Azerbaijan.
Chính quyền Armenia đã ban hành lệnh thiết quân luật ở nước này và tuyên bố tổng động viên. Ban lãnh đạo của Cộng hòa Nagorno-Karabakh không được công nhận cũng làm như vậy. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Baku và Yerevan ngay lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán.
Xung đột Karabakh bắt đầu vào tháng 2/1988, khi Khu tự trị Nagorno-Karabakh tuyên bố ly khai khỏi thành phần của cộng hòa XHCN Xô viết Azerbaijan. Theo kết quả của cuộc đối đầu vũ trang năm 1992-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và bảy vùng lân cận. Kể từ năm 1992, các cuộc đàm phán đã được tổ chức về giải quyết hòa bình xung đột trong khuôn khổ Nhóm OSCE Minsk, do ba đồng chủ tịch - Nga, Mỹ và Pháp đứng đầu. Azerbaijan khẳng định giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của mình, Armenia bảo vệ lợi ích của nước cộng hòa chưa được công nhận, vì Nagorno-Karabakh không phải là một bên tham gia đàm phán./.