Tổng thống Obama: Giờ là lúc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí với Việt Nam
VOV.VN - Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam thể hiện mong muốn hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam của Mỹ.
Theo CNN, tuyên bố trên được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong cuộc họp báo ngày 23/5 tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đều bày tỏ tin tưởng, những thoả thuận đạt được sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hai nước, vì lợi ích chung. (Ảnh: Ngọc Thành).
Tiến trình này đã được bắt đầu từ một thập kỷ trước thông qua các cuộc đối thoại đầy khó khăn với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ hiện tại John Kerry, các Thượng Nghị sĩ Tom Coburn và John McCain cùng nhiều nhân vật khác, bao gồm cả sự tham gia tích cực của các cựu chiến binh của hai nước và Chính phủ Việt Nam.
Theo thời gian, chúng tôi nhận thấy mối quan hệ giữa hai nước phát triển ngày một sâu rộng hơn. Tại thời điểm này, điều mà tôi và Chính phủ Mỹ nhận thấy là, từ những gì hai bên cùng thực hiện trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, an ninh và nhân đạo, giờ là lúc thích hợp để dở bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí với Việt Nam.
Mọi thương vụ buôn bán vũ khí của chúng tôi với bất kỳ quốc gia nào đều được xem xét kỹ lưỡng theo từng trường hợp cụ thể để xem có phù hợp hay không. Đã có trường hợp, một đồng minh rất thân cận với Mỹ vẫn không được Mỹ chấp thuận thực hiện một thương vụ nào đó cho đến khi chúng tôi hiểu rõ họ mua các trang thiết bị đó để làm gì.
Chính vì thế, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục xem xét từng thương vụ cụ thể nhưng chúng tôi sẽ không duy trì lệnh cấm buôn bán vũ khí chỉ vì những khác biệt về tư tưởng giữa hai bên bởi chúng tôi cho rằng, đến thời điểm này, hai nước đã xây dựng được lòng tin và sự hợp tác cả trong lĩnh vực quân sự. Điều này phản ánh sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Trên thực tế, mối quan hệ đối tác của chúng ta đã được xây dựng thông qua các cuộc đối thoại về quân sự giữa hai bên trong một thời gian dài. Nhiều tàu chiến của Mỹ đã từng cập cảng Việt Nam và chúng tôi kỳ vọng rằng mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai bên sẽ được thúc đẩy thông qua sự hợp tác chung trong nhiều vấn đề, trong đó bao gồm giải quyết thảm họa trên biển.
Sẽ có thêm nhiều tàu chiến của Mỹ đến Việt Nam, nhưng chúng tôi muốn khẳng định rằng, chúng tôi sẽ chỉ làm như vậy nếu nhận được lời mời hợp tác của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Việt Nam cũng như hiểu rõ sự nhạy cảm của vấn đề này.
Hiện tại, cả Mỹ và Việt Nam đều chia sẻ mối lo ngại chung về an ninh hàng hải và tôi cũng muốn nói thẳng rằng, Việt Nam cùng nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã nhận lời mời đến Sunnyland, California của tôi.
Chúng tôi đã tuyên bố rất rõ ràng rằng, việc duy trì tự do hàng hải cũng như việc tôn trọng các nguyên tắc, quy định và luật pháp quốc tế nhằm thúc đẩy thịnh vượng, thương mại, hòa binh và ổn định trong khu vực là rất quan trọng.
Tôi tin rằng, về vấn đề Biển Đông, dù Mỹ không ủng hộ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào trong tranh chấp ở khu vực, Mỹ vẫn ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình, ngoại giao tuân thủ các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế chứ không phải là do áp lực từ nước lớn.
Ngoài ra, như tôi đã nhiều lần tuyên bố trước đây, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục điều máy bay và tàu chiến tiến vào bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Tôi hy vọng rằng, mọi tranh chấp sẽ sớm được giải quyết và chúng tôi sẽ làm hết sức mình để thúc đầy điều này.
Chúng tôi cho rằng, việc hợp tác với Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy an ninh hàng hải trong khu vực cho toàn khu vực. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam là nhằm phản ánh sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai nước”./.