Tổng thống Pháp tiết lộ chính sách đối ngoại

Hôm qua (25/8), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có bài phát biểu khai mạc Hội nghị thường niên các Đại sứ tại Paris, trong đó tiết lộ một số đường hướng về chính sách đối ngoại của Pháp.

Ông Sarkozy tái khẳng định Pháp sẽ ở lại Afghanistan cùng các đồng minh chừng nào còn cần thiết và chừng nào người dân Afghanistan còn mong muốn.

“Cái giá về con người là rất nặng nề và điều này đã lại xảy ra trong tuần qua,” Tổng thống Sarkozy giải thích. “Nhưng tôi mong mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi rằng cái giá phải trả sẽ như thế nào nếu chúng ta không có mặt ở đó. Chúng ta nên nhớ rằng lực lượng Taliban đã từng giết hại hàng ngàn nạn nhân trong quá khứ và chúng còn tiếp tục làm như vậy trong tương lai.”

Ông Sarkozy đưa ra quan điểm trên trong bối cảnh binh lính Pháp tiếp tục thiệt mạng tại chiến trường Afghansitan gây sự bất bình trong công chúng và ngày càng có nhiều ý kiến muốn Pháp rút quân về nước.

Tổng thống cũng khẳng định cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới là một ưu tiên quan trọng của chính phủ Pháp, vào thời điểm mà lực lượng khủng bố Al Qaeda tuy có yếu đi trên thế giới, nhưng lại mạnh lên ở một số quốc gia như ở Pakistan hay Mali.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Sarkozy cũng đề cập đến vấn đề hạt nhân Iran, khẳng định Pháp quyết tâm thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và kêu gọi các quốc gia khác cũng làm như vậy. Ông Sarkozy hy vọng có thể ký một thoả thuận đáng tin cậy với Iran xung quanh vấn đề hạt nhân và gợi ý rằng, trong trường hợp thất bại, các nước cần tổ chức với nhau nhằm tìm giải pháp bảo vệ cho các quốc gia có thể bị Iran đe doạ.

Về vấn đề hoà bình Trung Đông, Tổng thống Sarkozy cho rằng Israel và Palestine có thể đi đến ký một hiệp định hoà bình thông qua đàm phán trực tiếp sau thời hạn một năm như gợi ý của Mỹ. Tổng thống Sarkozy cũng đề xuất để Pháp tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ hai về viện trợ cho Palestine.

Ngoài ra, với cương vị là Chủ tịch nhóm G20 kể từ tháng 11-2010, Tổng thống Pháp Sarkozy khẳng định mong muốn của Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi các nước nhóm G20 cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế cũng như quản lý giá nguyên nhiên liệu trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên