Tổng thống Putin gặp Cố vấn cấp cao của Đại giáo chủ Iran để bàn về hạt nhân
VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/7 đã tiếp ông Ali Larijani, Cố vấn cấp cao của Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tại Moscow. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang nỗ lực khôi phục tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran.
Theo Điện Kremlin, hai bên đã trao đổi về tình hình bất ổn tại Trung Đông và những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì ổn định trong khu vực và tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn diện cho hồ sơ hạt nhân Iran.
Với vai trò là một trong những bên ký kết thoả thuận hạt nhân năm 2015, Nga được đánh giá là bên trung gian quan trọng nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán bế tắc.

Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tình hình tại Trung Đông đang trong giai đoạn nhạy cảm, đặc biệt sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran, tiếp đó là cuộc không kích hôm 21/6 của Mỹ nhằm vào ba cơ sở hạt nhân của Iran. Mặc dù các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, song căng thẳng địa chính trị vẫn chưa hạ nhiệt.
Trong bối cảnh này, các nước châu Âu đang thúc đẩy nối lại đối thoại với Iran. Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim (Iran) dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Iran cùng với Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) có thể tổ chức vòng đàm phán mới ngay trong tuần tới. Nguyên tắc chung đã được thống nhất, song thời gian và địa điểm vẫn đang trong quá trình thảo luận.
Nhóm E3 trước đó cảnh báo sẽ tái áp đặt trừng phạt với Iran vào cuối tháng 8, nếu tiến trình đàm phán không được nối lại hoặc không mang lại kết quả cụ thể. Iran đã phản ứng mạnh mẽ trước cảnh báo này, cho rằng phương Tây thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện. T
heo Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, nước này sẵn sàng trở lại bàn đàm phán nếu Mỹ thể hiện thiện chí và từ bỏ các lựa chọn quân sự: “Chương trình hạt nhân của chúng tôi hoàn toàn phục vụ mục đích hòa bình, và chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào điều đó. Iran sẵn sàng chia sẻ sự minh bạch này với bất kỳ ai. Nhưng để đạt được điều đó, cần có đối thoại. Chúng tôi đã làm được vào năm 2015, khi đàm phán với nhóm P5+1 và đạt được một thỏa thuận được cộng đồng quốc tế ca ngợi là thành tựu ngoại giao mang tính lịch sử. Chúng tôi vẫn cam kết với thỏa thuận đó. Thật đáng tiếc, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cho thấy lập trường cứng rắn khi tuyên bố bất kỳ cơ sở hạt nhân mới nào mà Iran quyết định xây dựng đều sẽ bị phá hủy. Ông đồng thời khẳng định, các cuộc không kích hôm 21/6 đã "xóa sổ" năng lực hạt nhân của Iran tại ba địa điểm: Fordow, Natanz và Isfahan. Theo ông, những cơ sở này sẽ mất nhiều năm để khôi phục.