Tổng thống Putin tiết lộ lý do Nga tấn công lưới điện của Ukraine
VOV.VN - Hôm 11/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga buộc phải tiến hành các cuộc tấn công vào hệ thống năng lượng của Ukraine để đáp trả những cuộc tấn công trước đó của Kiev vào các nhà máy lọc dầu của Nga.
Trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, ông Putin cho biết các cuộc tấn công vào các cơ sở điện của Kiev là một phần của quá trình "phi quân sự hóa" Ukraine - một trong những mục tiêu mà ông đã đề ra khi cuộc xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu ở nhiều khu vực khác nhau của Nga trong những tuần gần đây đã buộc Moscow phải đáp trả.
"Các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng Kiev nằm trong mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine, đồng thời nhằm đáp trả các cuộc tấn công trước đó của Ukraine vào Nga", ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh những cuộc tấn công này sẽ "trực tiếp ảnh hưởng đến tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine".
Tổng thống Putin cũng nói thêm rằng Nga đã kiềm chế thực hiện các cuộc tấn công như vậy vào mùa đông "vì lý do nhân đạo", đảm bảo người dân Ukraine có thể sử dụng điện để sưởi ấm trong điều kiện thời tiết trở nên khắc nghiệt.
Ông Putin một lần nữa bác bỏ mọi dự đoán của các đồng minh phương Tây của Ukraine rằng Nga có kế hoạch tấn công bất kỳ quốc gia châu Âu nào ngoài Ukraine.
“Đây là điều lố bịch. Như chúng tôi đã từng nói, các quốc gia đồng minh phương Tây của Ukraine cần phải giải thích và biện minh cho việc chi tiêu trong xung đột”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin cũng phản đối ý tưởng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình có tính chất "thiên vị Ukraine". Đó cũng là lý do Tổng thống Nga từ chối tham gia hội nghị hòa bình về Ukraine sẽ được Thụy Sĩ tổ chức vào tháng 6 tới.
Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, ông Zelensky và người đồng cấp Thụy Sĩ Viola Amherd đã thảo luận về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và đồng ý "tiếp tục nỗ lực thu hút càng nhiều quốc gia càng tốt". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng mục tiêu của cuộc đàm phán hòa bình là nhằm kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới hậu Xô Viết năm 1991 của Ukraine và thành lập một cơ chế buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 100 quốc gia tham gia hội nghị này.
Tuy nhiên, cả ông Putin và ông Lukashenko đều đồng tình rằng việc khởi động lại các nỗ lực đàm phán cần nối tiếp các cuộc đàm phán bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022.