Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chính sách “bàn tay sắt”?
VOV.VN - Hai ngày sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, ngày 3/11 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa khẳng định chính sách cứng rắn với người Kurd.
Trong bối cảnh tình hình Trung Đông đang có nhiều biến động, đối mặt nhiều vấn đề, nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay, lập trường cứng rắn của ông Erdogan được dự báo sẽ tác động không nhỏ tới các chính sách khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 3/11 tiếp tục chiến dịch chống các nhóm nổi dậy người Kurd và các lực lượng chống đối tại nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiếp tục chính sách “bàn tay sắt”? (ảnh: aktifhaber.com). |
Cùng ngày, Bộ tham mưu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, các máy bay chiến đấu của nước này đã tiến hành một loạt vụ không kích nhằm vào những mục tiêu của nhóm nổi dậy Đảng Công nhân người Kurd, tại tỉnh biên giới Hakkari, Đông Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc Iraq.
Tại khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có đông người Kurd sinh sống và là nơi thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ giữa người Kurd và các lực lượng an ninh, quân đội đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại nhiều nơi.
Giải thích cho lập trường cứng rắn của chính phủ đối với nhóm nổi dậy người Kurd, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yalcin Akdogan khẳng định, chừng nào vẫn còn những nỗi khiếp sợ, chính phủ sẽ còn đấu tranh.
Cũng theo ông Akdogan, tiến trình hòa đàm với các lực lượng người Kurd, bị ngưng trệ hồi mùa hè vừa qua, sẽ chỉ có thể được khôi phục chừng nào những nhóm này chấp nhận từ bỏ vũ khí. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan cho rằng, cử tri đã lựa chọn sự ổn định và chắc chắn điều này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho người dân và đất nước.
“Cuộc bầu cử hôm 1/11 vừa qua sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định của dất nước. Quyết định của cử tri đã cho thấy lựa chọn của họ đối với sự ổn định. Kết quả này sẽ tốt cho người dân và đất nước của chúng tôi”, Tổng thống Erdogan nói.
Cuối tuần qua, đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm với 49,4% số phiếu ủng hộ, cao hơn gần 10% so với cuộc bầu cử trước đó hồi tháng 6, giúp đảng này giành lại thế đa số tuyệt đối bị mất chỉ 5 tháng trước đó.
Đặt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ trước bầu cử, kết quả này là một sự bất ngờ. Bởi sau thất bại hồi tháng 6, nhiều nhà bình luận cho rằng thập kỷ cầm quyền của đảng Công lý và Phát triển đang đi đến hồi kết. Tuy nhiên, kết quả bầu cử vừa qua dường như lại cho thấy một thực tế khác, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ tin vào sự ổn định mà Tổng thống Erdogan và đảng của ông sẽ mang lại.
Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, cả Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Davutoglu đều đưa ra những đảm bảo về an ninh và đoàn kết trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với sự gia tăng làn sóng bạo lực, không chỉ giữa các lực lượng người Kurd với lực lượng an ninh, mà còn còn là sự nổi lên của các nhóm thánh chiến cực đoan.
Song, trong bối cảnh khu vực đang nổi lên nhiều vấn đề và khủng hoảng đan xen, thì chiến thắng của Tổng thống Erdogan, cũng như lập trường cứng rắn của ông lại khiến Mỹ, châu Âu và Nga khó xử.
Với vị trí địa lý chiến lược quan trọng, cùng với vai trò một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác không thể thiếu của Mỹ, châu Âu và Nga trong việc đối phó với sự bành trướng của nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo hay trong giải quyết cuộc nội chiến ở Syria và khủng hoảng di cư đang diễn ra.
Những nước này đều đang coi người Kurd là một lực lượng hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria, một chủ trương mà ông Erdogan phản đối mạnh mẽ.
Chính vì thế, nếu như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách “bàn tay sắt”, phương Tây sẽ bị đặt vào một tình thế khó xử, sẽ phải “ứng phó” với ông Erdogan như thế nào? Dù khó khăn, phức tạp, nhưng tìm kiếm một sự thay thế thậm chí còn khó hơn rất nhiều./.