Tranh cãi pháp lý hậu bầu cử: Cuộc chiến không hồi kết của Trump-Biden?
VOV.VN - Chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đều đang chuẩn bị cho các tranh cãi về mặt pháp lý hậu bầu cử.
Sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử
Ông Donald Trump, người đang bị dẫn trước trong các cuộc khảo sát trên toàn quốc, tiếp tục công kích việc bỏ phiếu qua bưu điện đồng thời ngụ ý rằng các luật sư của ông sẽ vào cuộc nếu các bang vẫn tiếp tục kiểm phiếu sau Ngày Bầu cử 3/11. Phó Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Justin Clark, cho biết chiến dịch của ông Trump sẽ đấu tranh với mọi nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm thay đổi hạn chót của các tiểu bang đối với việc nhận và kiểm phiếu.
Phản ứng trước tuyên bố này, Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Biden, Jennifer O’Malley Dillon, nhấn mạnh rằng trong các cuộc bầu cử trước đây, các tiểu bang thường cần thêm thời gian sau đêm bầu cử để hoàn tất công tác kiểm phiếu. Bà Dillon cũng khẳng định “sẽ không có kịch bản ông Donald Trump tuyên bố là người chiến thắng trong đêm bầu cử”.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã tạo ra một làn sóng kiện tụng xung quanh việc liệu có nên điều chỉnh các quy định bỏ phiếu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hay không. Một tòa án liên bang ở bang Texas ngày 2/11 đã bác bỏ yêu cầu của đảng Cộng hòa hủy bỏ 127.000 phiếu bầu đã được bỏ theo hình thức cử tri lái xe đi qua điểm bỏ phiếu tại khu vực Houston vốn nghiêng về đảng Dân chủ.
Tại sự kiện vận động cử tri ở Scranton ở bang Pennsylvania, Tổng thống Trump đã nhắc lại với đám đông rằng ông đã thắng cuộc bầu cử năm 2016 bất kể các cuộc khảo sát đều cho rằng ông sẽ thất bại. Ông Trump đồng thời cũng cảnh báo rằng kế hoạch kiểm phiếu của các quan chức bầu cử tới 3 ngày sau Ngày Bầu cử là một “tình hình nguy hiểm”. Ông Trump nhấn mạnh, “cần phải có một ngày cụ thể và không thể kéo dài thời hạn”.
Trong khi đó, tại thị trấn Monaca ở phía Tây Pennsylvania, ông Biden tuyên bố với những người ủng hộ mình rằng tương lai của đất nước nằm trong tay họ: “Những gì diễn ra ngày mai (3/11 theo giờ Mỹ) sẽ xác định đất nước chúng ta sẽ thế nào trong nhiều thế hệ”.
Ứng cử viên Donald Trump, 74 tuổi, đang tìm cánh tránh trở thành Đương kim Tổng thống Mỹ đầu tiên thất bại trong nỗ lực tái cử kể từ thời Tổng thống Cộng hòa George H.W. Bush năm 1992. Mặc dù ông Biden đang dẫn trước trong các cuộc khảo sát trên toàn quốc, cuộc chạy đua ở các bang chiến địa vẫn được xem là sít sao đủ để ông Trump có thể vẫn giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống.
Sau Bắc Carolina và Pennsylvania, ông Trump sẽ tới Wisconsin và Michigan, 4 bang ông từng thắng sát nút trong năm 2016, tuy nhiên các cuộc khảo sát cho thấy các bang này có thể nghiêng về ông Biden năm nay. Vẫn như thường lệ, Tổng thống Trump vẫn có các cuộc gặp gỡ đông đảo những người ủng hộ, nơi những người tham dự không hề sử dụng khẩu trang và giãn cách xã hội bất kể dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Mỹ.
Trong khi đó, ông Biden, 77 tuổi, người đã biến việc ứng phó với Covid-19 của ông Trump làm chủ đề chính của chiến dịch tranh cử của mình, đã có các cuộc vận động cử tri quy mô nhỏ hơn nhiều ở Ohio và Pennsylvania. Ông Biden dự kiến sẽ tiếp tục vận động tại Pittsburgh với sự tham gia của ca sỹ Lady Gaga.
Theo khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos tại Florida, một bang dao động lâu năm, ông Biden đang có thế dẫn trước 50%-46%, một tuần sau khi hai ứng cử viên có thống kê ngang nhau.
Tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng chưa từng có tiền lệ trong các cuộc bầu cử Mỹ. Tới nay đã có gần 98 triệu cử tri bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc qua bưu điện, theo Dự án bầu cử Mỹ. Con số này tương đương 70% tổng số phiếu bầu của cả năm 2016 và chiếm tới 40% số cử tri đủ điều kiện đi bầu ở Mỹ.
Số cử tri bỏ phiếu sớm chưa từng có tiền lệ này bao gồm 60 triệu người bỏ phiếu qua bưu điện, điều có thể khiến mất nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần để có thể hoàn tất công tác kiểm đếm tại một số bang. Điều này có nghĩa sẽ chưa thể xác định được người chiến thắng vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào đêm 3/11.
Một số bang bao gồm Pennsylvania và Wisconsin, hai bang chiến địa khá quan trọng, sẽ không bắt đầu xử lý phiếu bầu qua bưu điện cho tới Ngày Bầu cử, do đó quá trình kiểm phiếu sẽ không thể sớm được hoàn tất.
"Đe dọa cử tri là phi pháp"
Twitter ngày 2/11 thông báo sẽ dán nhãn cảnh báo mọi dòng trạng thái, bao gồm của cả các ứng cử viên, tuyên bố thắng cử trước khi các quan chức bầu cử của tiểu bang hoặc các hãng tin tức quốc gia thông báo chính thức.
Trong một dấu hiệu cho thấy tình hình có thể diễn biến phức tạp sau cuộc bầu cử, nhiều tòa nhà tại nhiều thành phố đã đóng ván gỗ bên ngoài, bao gồm các tòa nhà xung quah khu vực Nhà Trắng ở thủ đô Washington và trung tâm mua sắm nổi tiếng Macy ở thành phố New York.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành điều tra vụ việc ở Texas khi một đoàn xe ủng hộ ông Trump đã bao vây một xe buýt du lịch chở các nhân viên vận động tranh cử của ông Biden. Sự việc này đã khiến chiến dịch của ông Biden phải hủy ít nhất 2 trong số các sự kiện ở Texas. Phe Dân chủ đã cáo buộc Tổng thống Trump khuyến khích người ủng hộ tham các hoạt động đe dọa.
Tổng chưởng lý 8 bang Illinois, Michigan, Minnesota, Nevada, New Mexico, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin ngày 2/11 đã cảnh báo sẽ không khoan nhượng với các hành vi đe dọa cử tri: “Đe dọa cử tri là phi pháp ở mỗi bang bất kể các hoạt động này diễn ra trực tiếp hay từ xe ô tô”. Tổng chưởng lý Bắc Carolina Josh Stein tuyên bố: “Những người chứng kiến các hành vi liên quan cần ngay lập tức thông báo tới các cơ quan thực thi pháp luật”.
Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố mặc dù không đưa ra chứng cứ rằng phiếu bầu qua bưu điện dễ bị gian lận mặc dù các quan chức bầu cử nhấn mạnh điều này là hãn hữu trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Bầu cử qua bưu điện là một quy định lâu năm trong hệ thống bầu cử Mỹ và khoảng 1/4 phiếu bầu trong năm 2016 là qua bưu điện.
Phe Dân chủ cho rằng bỏ phiếu qua bưu điện là cách an toàn nhất trong khi ông Trump và đảng Cộng hòa hiện đang trông đợi vào tỷ lệ bỏ phiếu trực tiếp trong Ngày Bầu cử.
Những nỗ lực cuối cùng
Ông Trump sẽ kết thúc chiến dịch tranh cử của mình tại Grand Rapids, Michigan, địa điểm ông kết thúc chiến dịch tranh cử năm 2016.
Trong khi đó, ông Biden cùng liên danh tranh cử Kamala Harris đang dành phần lớn thời gian vận động cử tri ở Pennsylvania. Trong Ngày Bầu cử, ông Biden sẽ dành thời gian ở Pennsylvania với các điểm dừng chân tại Scranton, nơi ông sinh sống hồi nhỏ, và Philadelphia.
Ông Biden đã chấm dứt chiến dịch tranh cử của mình ở thế dẫn trước ở hầu hết các bang ông Trump từng giành chiến thắng trong năm 2016.
Ông Biden cáo buộc ông Trump đã từ bỏ cuộc chiến chống Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 230.000 người tử vong và làm mất đi hàng triệu việc làm ở Mỹ. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy người dân Mỹ tin tưởng ông Biden hơn ông Trump trong việc ứng phó với Covid-19.
Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, từng cho biết các liều vaccine hiệu quả đầu tiên có thể sẽ được ra mắt và được ưu tiên cho những người thuộc nhóm rủi ro cao vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm sau.
Tuy nhiên, ông Trump, người hay bất đồng với Tiến sỹ Fauci một cách công khai, ngày 2/11 ngụ ý rằng ông có thể sa thải Tiến sỹ Fauci sau bầu cử. Trong khi đó, ông Biden tuyến bố: “Hãy bầu tôi, tôi sẽ thuê Tiến sỹ Fauci và chúng ta cùng sa thải ông Donald Trump”./.