Tranh chấp lãnh thổ phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Nhật
VOV.VN - Thủ tướng Nhật Bản Abe cho biết có ý định thúc đẩy thảo luận Hiệp ước Hòa bình với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 21/1 có chuyến thăm Nga nhằm thảo luận về mối quan hệ hợp tác song phương cũng như giải quyết các bế tắc trong tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản luôn khẳng định mong muốn ký kết Hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhưng với những bất đồng chưa được thỏa hiệp về vấn đề tranh chấp lãnh thổ khiến Hội nghị thượng đỉnh lần này tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nhật Bản Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Abe sẽ có cuộc gặp vào ngày 22/1 tại thủ đô Moscow. Phát biểu trước chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết có ý định thúc đẩy các cuộc thảo luận về Hiệp ước Hòa bình với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.
Tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc đã cản trở Nga và Nhật Bản ký kết Hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Theo Thủ tướng Abe, vẫn chưa có bước tiến thực sự về vấn đề này trong hơn 70 năm qua. Mặc dù vậy, cả hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản đều không muốn vấn đề này kéo dài sang các thế hệ khác. Nhật Bản muốn nhanh chóng ký kết Hiệp ước hòa bình với Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga có thiện chí muốn ký kết Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, vì cả hai nước đều quan tâm đến việc xử lý mối quan hệ song phương một cách đầy đủ.
Mặc dù vậy có nhiều thách thức phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh Nga- Nhật vào ngày 22/1. Ngoại trưởng Nga và Nhật Bản đã có cuộc đối thoại trong khuôn khổ vòng đàm phán đầu tiên, theo thể thức mới về hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản vào tuần trước. Tuy nhiên không có nhiều bước tiến nào được đưa ra sau cuộc gặp. Vật cản lớn nhất đó là hai bên không có sự thỏa hiệp lập trường trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, với việc Nga yêu cầu Nhật Bản thừa nhận toàn bộ kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ 2, "bao gồm cả chủ quyền của nước Nga đối với các đảo mà Nga gọi là Nam Kuril”. Trong khi đó, Nhật Bản cũng khẳng định sẽ giành lại chủ quyền đối với các quần đảo này. Ngoài ra, lo ngại của Nga về khả năng hiện diện của quân đội Mỹ trong tương lai trên các hòn đảo, cũng là vật cản trong các cuộc đối thoại hòa bình.
Hiệp ước hòa bình Nga-Nhật phải đảm bảo quyền lợi cho người dân Kuril
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng lãnh đạo Nga và Nhật Bản đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp cho Hiệp ước Hòa bình, được sự chấp nhận và ủng hộ của cả hai bên. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng Nga có đủ kiên nhẫn để đạt được nhận thức chung với Nhật Bản: “Phải thừa nhận rằng chúng ta vẫn có những điểm bất đồng. Lập trường của chúng tôi không thay đổi kể từ đầu các cuộc đối thoại. Tuy nhiên ý nguyện chính trị của các nhà lãnh đạo hai nước đó là bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ Nga và Nhật Bản để thúc đẩy đối thoại”.
Giới quan sát cho rằng việc ký kết Hiệp ước hòa bình sẽ giúp đẩy nhanh hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Giải quyết bất đồng với Nga sẽ giúp Nhật Bản cải thiện quan hệ với một trong những đối tác cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho nước này. Trong khi đó, Nga cũng tìm kiếm thêm được một tiếng nói có trọng lượng trong việc kêu gọi quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà nước này đang đối mặt. Ngoài ra, việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước sẽ tạo ra sức mạnh mới đối phó với cạnh tranh và ảnh hưởng của các cường quốc khác trong khu vực.
Dự kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 6 tới, để thúc đẩy mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế thương mại và nhiều vấn đề khác./.