Trẻ em sống sót sau trận động đất Nepal bị bán làm nô lệ ở Anh
VOV.VN - “Chúng rất khỏe và giỏi làm việc nhà” –những kẻ buôn người quảng cáo về các trẻ em Nepal bị bán làm nô lệ ở Anh.
Những đứa trẻ sống sót sau vụ động đất khủng khiếp tại Nepal tháng 4/2015 bị đưa tới chợ đen để bán làm đầy tớ cho những gia đình Anh giàu có mà không hề được trả công.
Trẻ em Nepal sống sót sau vụ động đất tại nước này. Ảnh AP
Theo một cuộc điều tra, những tay buôn người máu lạnh ở Punjab, Ấn Độ, bán những đứa trẻ 10 tuổi với giá £5.250 (khoảng trên 160 triệu VNĐ). Những kẻ này săn những đứa trẻ tị nạn ở Nepal và cả những gia đình nghèo khổ ở Ấn Độ cho dịch vụ của mình nhưng phần lớn số đó là trẻ em Nepal.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May gọi việc buôn bán trẻ em là “một tội ác đáng ghê tởm” và kêu gọi Cơ quan tội phạm quốc gia điều tra các cáo buộc về việc này. Bà May phát biểu: “Chúng ta không thể để bất cứ một đứa trẻ nào trên thế giới bị tước đoạt khỏi gia đình mình và bị bắt làm nô lệ.”
"Đó là lý do năm 2015, chúng tôi đưa ra Đạo luật Chế độ nô lệ hiện đại, đề cập đến việc tăng cường bảo vệ cho những trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn nô lệ và buộc những kẻ phạm tội phải chịu tù chung thân.", bà May cho biết thêm.
Theo tờ báo The Sun, một tay buôn bán trẻ em là Makkhan Singh bắt những đứa trẻ đứng xếp hàng cho phóng viên ngầm chọn và giới thiệu rằng: “Những đứa trẻ được đưa tới Anh là do chúng tôi cung cấp.”
“Chọn bọn trẻ người Nepal đi. Chúng nó rất khỏe và giỏi làm việc nhà. Chúng nấu ăn ngon nữa. Không ai nghi ngờ ông đâu.” – tên Singh quảng cáo.
Trận động đất 7,8 độ richter ở Nepal vào tháng 4 năm ngoái khiến gần 9.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải trong cảnh cần viện trợ
Ước tính có hàng triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn nô lệ hiện nay, bị buôn bán qua biên giới và bị bắt làm nô lệ.
Tháng 10/2015, Đạo luật Chế độ nô lệ hiện đại được đưa vào để kiểm soát chặt chẽ nạn nô lệ ngày nay và bảo vệ nạn nhân của nạn buôn bán./.