Triều Tiên bất ngờ rút nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều
VOV.VN - Giới chức Hàn Quốc vừa cho biết, Triều Tiên đã đột ngột rút các nhân viên của nước này ra khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều vào hôm nay (22/3).
Diễn biến mới này có nguy cơ làm tổn hại quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, gây khó khăn cho chính sách ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trước đó, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội đã kết thúc mà không có thỏa thuận chung do bất đồng về các biện trừng phạt giữa hai bên.
Lễ khai trương văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố Kaesong. (Ảnh: Hankyoreh). |
Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, đại diện phía Triều Tiên đã thông báo cho họ trong cuộc gặp vào hôm nay (22/3) về việc rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều theo chỉ thị từ các cấp cao hơn. Vẫn chưa rõ việc rút các nhân viên từ phía Triều Tiên chỉ là tạm thời hay lâu dài. Phía Triều Tiên cho biết họ “không quan tâm đến việc đội ngũ nhân viên của Hàn Quốc sẽ rời khỏi hay tiếp tục làm việc tại văn phòng” và sẽ thông báo cho Seoul về các vấn đề phát sinh sau đó.
Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung nói rằng Hàn Quốc có kế hoạch để các nhân viên của nước này hoạt động bình thường tại văn phòng liên lạc chung, đồng thời hy vọng Triều Tiên sẽ tiếp tục cho các nhân viên Hàn Quốc làm việc tại đây. Tuyên bố cho biết, Hàn Quốc “lấy làm tiếc” về quyết định của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng đưa các nhân viên trở lại làm việc trong thời gian sớm nhất.
Văn phòng liên lạc liên Triều được mở ở thành phố Kaesong vào tháng 9/2018 như một phần của các bước đi tái hòa giải. Đây cũng là văn phòng liên lạc chung đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1945. Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Cho Myong Gyon khi đó gọi đây là "một biểu tượng khác cho hòa bình được kiến tạo bởi miền Nam và miền Bắc".
Kaesong là nơi có khu công nghiệp chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang bị đình chỉ hoạt động. Đây là sự kết hợp các sáng kiến, vốn và công nghệ của Hàn Quốc với lao động giá rẻ của Triều Tiên. Cả hai bên đều mong muốn Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt để mở cửa trở lại khu công nghiệp chung này./.