Triều Tiên, Hàn Quốc thiện chí thay đổi cục diện bán đảo Triều Tiên
VOV.VN - Cả Hàn Quốc và Triều Tiên cùng có nhiều động thái tích cực hướng tới việc chính thức chấm dứt chiến tranh và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang được kỳ vọng sẽ sớm được thực hiện khi những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện những diễn biến tích cực với việc cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tỏ rõ thiện chí thay đổi cục diện trên Bán đảo này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Business Insider.
Trong bước đi đầu tiên được cho là để giữ “lời hứa” đã đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 vừa qua, Triều Tiên dường như đã bắt đầu phá dỡ những hạ tầng chính tại một địa điểm trước đây được sử dụng để phát triển động cơ cho tên lửa đạn đạo của nước này.
Trang The 38 North – chuyên trang theo dõi các hoạt động ở Triều Tiên có trụ sở tại Washington (Mỹ) mới đây công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy phía Triều Tiên đang thực hiện việc phá dỡ một tòa nhà được sử dụng để lắp ráp các thiết bị phóng vệ tinh vào không gian và một trạm thử động cơ tên lửa thường được dùng để phát triển các động cơ chạy bằng nhiên liệu lỏng cho tên lửa đạn đạo và thiết bị phóng tên lửa ở gần đó.
Chính phủ Mỹ ngay lập tức đánh giá cao thông tin Triều Tiên bắt đầu thực hiện những cam kết của nước này. Phát biểu trước các cựu chiến binh Mỹ tại một sự kiện ở Kansas, bang Missouri, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua nhấn mạnh thêm rằng, ông đã có cuộc gặp tuyệt vời với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và dường như tình hình đang diễn ra tốt đẹp.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, các báo cáo cho rằng Triều Tiên đã bắt đầu dỡ bỏ các cơ sở tại một bãi thử tên lửa Sohae "hoàn toàn phù hợp với cam kết" được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua.
Khi được hỏi Triều Tiên cần thêm những động thái nào nữa sau cuộc gặp Thượng đỉnh tại Singapore, người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ khẳng định: "Họ cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn và trọn vẹn. Đó là những bước đi được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết. Và đó cũng là những gì thế giới đã yêu cầu thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông của Triều Tiên cũng liên tục kêu gọi Hàn Quốc thực hiện thỏa thuận nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh nhằm hướng tới tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và gọi đó là "nhiệm vụ lịch sử" không thể bị trì hoãn nữa.
Không chỉ phía Triều Tiên thể hiện thiện chí hướng tới một bán đảo phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực hiện thực hóa thỏa thuận biến khu vực phi quân sự thành một khu vực hòa bình mà Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra hồi tháng 4 vừa qua. Theo đó, Hàn Quốc đang lên kế hoạch giảm các bốt và thiết bị canh gác dọc vùng phi quân sự (DMZ) thuộc khu vực biên giới giữa nước này với Triều Tiên.
Hàn Quốc lên kế hoạch giảm binh sĩ tại khu phi quân sự (DMZ)
Hiện cả Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đang tích cực làm việc để thiết lập một văn phòng liên lạc chung ở thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên. Điều này được cho là sẽ góp phần tạo thêm động lực để hai miền Triều Tiên nối lại và tăng cường thêm những hoạt động hợp tác trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Mark Lambert trong ngày hôm nay (25/7) sẽ tới Hàn Quốc để thảo luận về vấn đề Triều Tiên và các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước đồng minh Mỹ-Hàn Quốc. Cùng ngày, Đối thoại Quốc phòng Mỹ- Hàn cũng được tổ chức, tập trung vào hợp tác quốc phòng song phương, sau các cuộc gặp thượng đỉnh của hai bên với phía Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc đối thoại này, Trưởng văn phòng chính sách Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yeo Suk-joo nhấn mạnh: “Kể từ sau khi hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều được tổ chức, tôi nghĩ rằng Mỹ và Hàn Quốc cần tăng cường hợp tác hơn nữa và có thêm những câu chuyện để chia sẻ giữa hai Bộ quốc phòng hai nước chúng ta tại Đối thoại Quốc phòng Mỹ- Hàn.”
Viễn cảnh về một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi hạt nhân hóa có lẽ không còn quá xa vời khi thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những tia hy vọng mới trên bán đảo này. Dẫu vậy tình hình sẽ tiến triển đến đâu thì vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí và hành động cụ thể của từng bên. Hiện các nỗ lực ngoại giao tích cực thời gian qua cũng được trông đợi ít nhiều sẽ đem lại những kết quả tươi sáng hơn cho bán đảo Triều Tiên./.