Triều Tiên úp mở về vũ khí chiến lược: "Bóng ma" hạt nhân trở lại?
VOV.VN - Tuyên bố từ bỏ ràng buộc giao ước ngừng thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên làm gia tăng lo ngại "bóng ma" hạt nhân quay trở lại.
Vào ngày cuối cùng của năm 2019, sau nhiều tháng cảnh báo với “món quà Giáng sinh”dành cho Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có một tuyên bố khiến dư luận lo ngại, khi tiết lộ nước này sẽ trình làng các vũ khí chiến lược mới trong tương lai gần. Tuyên bố từ bỏ ràng buộc giao ước ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên đang làm gia tăng lo ngại "bóng ma" hạt nhân đang quay trở lại, với những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng“chưa từng có”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA. |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhấn mạnh: "Không có lý do nào để Triều Tiên phải đơn phương ràng buộc bởi cam kết nữa. Thế giới sẽ chứng kiến một vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên trong tương lai gần". Ông cũng công khai tuyên bố rằng ngành công nghiệp vũ khí của Triều Tiên nên sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tuyên bố này ngay lập tức khiến dư luận lo ngại. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua (1/1) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tuyên bố của Triều Tiên. Theo ông Guterres, "không phổ biến hạt nhân vẫn là một trụ cột cơ bản của an ninh hạt nhân toàn cầu và phải được duy trì”, đồng thời khẳng định: “Can dự ngoại giao là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình bền vững”. Hàn Quốc cũng cho rằng, việc Triều Tiên tuyên bố đưa ra vũ khí chiến lược mới không có ích cho các cuộc đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Sang Min cho biết:“Triều Tiên tuyên bố thế giới sẽ chứng kiến các vũ khí chiến lược mới. Hàn Quốc cho rằng nếu điều này được thực hiện, nó sẽ không giúp ích cho các cuộc đàm phán hạt nhân cũng như những nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton thì cho rằng, Mỹ nên khôi phục toàn diện các cuộc diễn tập quân sự với Hàn Quốc để đáp trả những đe dọa mới nhất từ Triều Tiên. Nếu tuyên bố của cả Triều Tiên và Mỹ trở thành hiện thực thì điều đó cho thấy những vòng xoáy nguy hiểm trên Bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại.
Mặc dù vậy vẫn có những tia sáng hiếm hoi xóa đi triển vọng u ám trên Bán đảo Triều Tiên. Bất chấp việc tuyên bố triển khai vũ khí chiến lược mới nhưng Triều Tiên vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Mỹ. Triều Tiên tuyên bố rằng, "phạm vi và mức độ" của việc răn đe hạt nhân sẽ phụ thuộc vào Mỹ. Và cho đến thời điểm này, các quan chức Mỹ vẫn có phản ứng khá mềm mỏng.
Tổng thống Mỹ Trump ngày 1/1 nêu rõ: “Tôi có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tôi biết nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ gửi một số thông điệp về các món quà Giáng sinh. Tôi hy vọng quà Giáng sinh là một bình hoa đẹp. Đó là những gì tôi thích. Chúng tôi đã ký một thỏa thuận tại Singapore và tôi nghĩ Nhà lãnh đạo Triều Tiên là một người biết giữ lời hứa”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ quyết định một hướng đi khác và đưa ra một lựa chọn đúng đắn - đó là hòa bình và thịnh vượng, thay vì chiến tranh và xung đột.
Đánh giá về những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên, chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm chiến lược quốc gia ở Washington cho rằng, với cảnh báo về khả năng sẵn sàng phóng ICBM cho thấy Triều Tiên muốn sử dụng sức mạnh răn đe hạt nhân để đạt được 2 nhượng bộ mà nước này mong muốn đó là đảm bảo an ninh và nới lỏng trừng phạt. Thay vì theo đuổi đối thoại như 2 năm qua, Triều Tiên bắt đầu quay trở lại con đường đối đầu để đạt được những mục tiêu này theo“cách cũ”.
Theo ông Harry Kazianis, đây là một bước đi nguy hiểm, đẩy hai nước bên miệng hố chiến tranh nếu nó được thực hiện. Mỹ vẫn tuyên bố rằng sẽ phản ứng nếu Triều Tiên thực hiện các vụ thử tên lửa tầm xa. Phản ứng của Mỹ sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, gia tăng quân sự tại Đông Bắc Á cùng hàng loạt các đe dọa “lửa và giận dữ” từ tài khoản Twitter của Tổng thống Trump./.