Tròn 2 năm xung đột: Ukraine và phương Tây ký nhiều thỏa thuận an ninh dài hạn
VOV.VN - Lãnh đạo cấp cao một số nước phương Tây đã đến Kiev để thể hiện tình đoàn kết với người dân Ukraine nhân dịp tròn 2 năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Nhiều thỏa thuận hợp tác dài hạn giữa Ukraine với các nước phương Tây đã được ký kết.
Các nhân vật cấp cao đến Ukraine dịp này gồm có Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Sự hiện diện của các lãnh đạo phương Tây nhằm nhấn mạnh cam kết của phương Tây trong việc giúp đỡ Ukraine, ngay cả khi nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu viện trợ quân sự ngày càng trầm trọng.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, châu Âu sẽ ủng hộ Ukraine để nước này được hòa bình:
“Ukraine phải có phương tiện để tự vệ. Điều này rất quan trọng đối với an ninh của các bạn và cả đối với an ninh của toàn châu Âu. Chúng tôi sẽ mở một văn phòng đổi mới quốc phòng tại Kiev. Và cuối cùng, chúng tôi tiếp tục thực hiện các cam kết an ninh với Ukraine. Và tất nhiên, sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho Ukraine sẽ là tư cách thành viên trong EU”, bà Leyen nói.
Nhằm thể hiện tình đoàn kết với Ukraine, lãnh đạo nhiều nước phương Tây cũng đã ký các thỏa thuận an ninh dài hạn với Ukraine. Sau Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch, Italy và Canada hôm qua cũng đã ký kết thỏa thuận an ninh thời hạn lên đến 10 năm với Kiev. Đây là những văn kiện nhằm củng cố an ninh của Ukraine cho đến khi nước này có thể đạt được mục tiêu trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Thỏa thuận mà chúng tôi vừa ký kết là cam kết đầy đủ và quan trọng nhất mà Italy đã thực hiện với một quốc gia không thuộc NATO. Thứ hai, tôi muốn nhắc các bạn về lý do tại sao điều quan trọng đối với tất cả chúng tôi khi ký kết các thỏa thuận an ninh này. Đó là các thỏa thuận an ninh là điều kiện tiên quyết tốt nhất có thể cho bất kỳ giải pháp nào và cho bất kỳ nền hòa bình công bằng và lâu dài nào”.
Theo đánh giá của giới quan sát, tính đến thời điểm hiện tại, các nước phương Tây đã cung cấp hoặc cam kết gửi vũ khí cho Ukraine nhiều hơn so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Mới đây nhất, Liên minh châu Âu cũng đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD trong khi các thành viên châu Âu trong NATO cũng khẳng định sẽ cung cấp thêm vũ khí, khí tài cho Ukraine. Các khoản hỗ trợ của các nước phương Tây diễn ra trong bối cảnh xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ ba và chưa có tia sáng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.