Trung - Ấn chạy đua củng cố năng lực quân sự ở biên giới

VOV.VN - Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động của máy bay chiến đấu dọc LAC, Ấn Độ ngày 27/6 cũng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ladakh.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không hiện đại phản ứng nhanh tại khu vực Đông Ladakh chỉ là một phần của quá trình tăng cường lực lượng đang diễn ra trong khu vực này. Các hệ thống phòng không của cả Lục quân và Không quân Ấn Độ đã được triển khai tại đây, để ngăn chặn bất kỳ hành vi liều lĩnh nào của các máy bay chiến đấu hay trực thăng của Không quân Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động của máy bay chiến đấu dọc LAC, Ấn Độ ngày 27/6 cũng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ladakh. Ảnh: CNBC

Một số nguồn tin cho biết thêm, Ấn Độ cũng sẽ sớm nhận được một hệ thống phòng không uy lực từ một quốc gia thân thiện, có thể triển khai để ngăn chặn bất kỳ máy bay nào của kẻ thù, giúp bảo vệ toàn bộ khu vực. Dường như, hệ thống được nhắc tới chính là S-400 mà Ấn Độ đang thúc Nga đẩy nhanh việc chuyển giao.

Trong vài tuần qua, các lực lượng Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu hạng nặng như Sukhoi-30 và các máy bay ném bom chiến lược đến các căn cứ ở hậu tuyến. Các máy bay này đã được phát hiện bay gần lãnh thổ Ấn Độ, cách biên giới khoảng hơn 10 km. Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, khoảng 20 võ sư cũng sẽ tham gia huấn luyện võ thuật cho binh sĩ hoạt động tại biên giới Trung - Ấn – nơi không được sử dụng súng và thuốc nổ theo thỏa thuận đã được 2 bên ký kết từ năm 1996.

Trước tình hình căng thẳng biên giới, với rủi ro đụng độ đang leo thang,  Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri mới đây khẳng định, cách duy nhất để giải quyết bế tắc quân sự hiện nay dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh là Bắc Kinh phải nhận thức được rằng việc tìm cách “thay đổi hiện trạng bằng cách sử dụng vũ lực hay cưỡng ép không phải là hướng đi đúng”.  Hòa bình và yên tĩnh tại đường biên giới Ấn–Trung là điều kiện tiên quyết cho tiến triển trong quan hệ song phương.

Ông Vikram Misri khẳng định các hành động của Trung Quốc trên thực địa đã làm tổn hại đáng kể đến lòng tin trong mối quan hệ song phương và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh dừng các hoạt động ở khu vực Đông Ladakh. 

Trong khi đó Trung Quốc lại đổ lỗi Ấn Độ vì những căng thẳng hiện nay, đặc biệt là vụ đụng độ giữa binh sĩ 2 nước ngày15/6 vừa qua.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) khẳng định: “Quân đội tiền tuyến Ấn Độ đã công khai vi phạm thỏa thuận mà nước này đã cam kết khi vượt qua đường biên giới thực tế và khiêu khích phía Trung Quốc. Trong tình huống nguy hiểm và bất ngờ bị phía Ấn Độ tấn công, một cuộc đụng độ gây thương vong đã xảy ra.”

Từ khi xảy ra căng thẳng biên giới Trung Ấn, một làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc đã bùng phát tại Ấn Độ. Tại thành phố Ahmedabad, người dân ném ti vi do Trung Quốc sản xuất khỏi ban công, trong khi các thương nhân tại thủ đô New Delhi đốt hàng hóa Trung Quốc trên đường phố.

Hôm qua, nhiều người dân Ấn Độ tại New Dehli đã xuống đường tuần hành, phản đối Trung Quốc, kêu gọi tẩy chay hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, đồng thời đốt các áp phích quảng cáo các sản phẩm Trung Quốc.

Một người biểu tình cho biết: “Đã là quá đủ. Chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi. Bây giờ chúng tôi sẽ không nói nữa và hành động. Thanh niên và phụ nữ của đất nước này đã đưa ra một quyết định chắc chắn rằng chúng tôi muốn mua hàng hóa đắt tiền nhưng chúng tôi sẽ không mua hàng Trung Quốc, dù sao chúng cũng không đạt tiêu chuẩn. Về mặt kinh tế, chúng tôi sẽ tẩy chay hàng hóa của họ”.

Dù chính phủ Ấn Độ chưa lên tiếng về làn sóng tẩy chay, song Truyền thông Trung Quốc đưa tin, hiện hàng nghìn tấn hàng hóa từ Trung Quốc mắc kẹt ở biên giới Ấn - Trung. Giới phân tích cho rằng, với việc tẩy chay hàng hóa từ Trung Quốc, nền kinh tế quốc gia Nam Á có thể hứng chịu nhiều thiệt hại. Bởi trên thực tế nền kinh tế Ấn Độ phụ thuộc đáng kể vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và nước này đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên