Trung-Hàn phản ứng về chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản
VOV.VN - Phía Nhật khẳng định chiến lược của mình là hoàn toàn minh bạch.
Chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc đã có phản ứng sau khi Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới trong bối cảnh giữa các nước này đang có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nhất là sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm nay (18/12) ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young yêu cầu Nhật Bản từ bỏ tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Dokdo (theo cách gọi của Hàn Quốc, còn Nhật Bản gọi là Takeshima).
“Chính phủ chúng tôi mạnh mẽ phản đối việc chính phủ Nhật Bản đưa quần đảo Dokdo của chúng tôi vào chiến lược an ninh quốc gia mà nước này thông báo hôm qua,” phát ngôn viên Cho Tai-young nói. “Chúng tôi thúc giục chính phủ Nhật Bản hủy bỏ ngay điều này”.
Theo chiến lược an ninh quốc gia mới, Nhật Bản coi quần đảo Dokdo/Takeshima thuộc chủ quyền nước này và sẽ nỗ lực bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo này bằng mọi công cụ ngoại giao, dựa trên nguyên tắc hòa bình giải quyết xung đột và luật pháp quốc tế.
Cũng lên tiếng phản ứng việc Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua cho biết: “Chúng tôi thúc giục Nhật Bản nhìn nhận đúng đắn vào lịch sử, tôn trọng mối lo ngại về an ninh của các nước trong khu vực, nỗ lực đi theo hướng hòa bình. Chúng tôi cũng hy vọng Nhật Bản không chỉ dừng lại ở lời nói đối với việc duy trì hòa bình, mà cần có hành động cụ thể và thiết thực, vì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản khẳng định chiến lược an ninh quốc gia mới là hoàn toàn rõ ràng và minh bạch, thể hiện chính sách an ninh và ngoại giao của Nhật Bản đối với người dân trong và ngoài nước. Theo đó, Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm tới, sẽ chi khoảng 24.700 tỷ yên (tương đương 240 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng giai đoạn 2014-2019.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay cảnh báo sớm cho Lực lượng Phòng vệ trên không. Nhật Bản sẽ thành lập đơn vị đổ bộ có khả năng tác chiến ở các đảo xa và phối hợp các chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ (SDF) nhằm tăng cường giám sát và phản ứng nhanh trước các biến cố bất ngờ.
Đây là lần đầu tiên Nhật tăng ngân sách quốc phòng sau 2 năm cắt giảm liên tiếp nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực quốc phòng, sẵn sàng đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới, Nhật Bản sẽ tìm kiếm vai trò an ninh “chủ động” hơn cho Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài.
Động thái mới này được xem là quyết sách quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nhật Bản chính thức thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) theo mô hình của Mỹ ngày 4/12 vừa qua. Việc khởi động Hội đồng An ninh quốc gia được coi là một trong những trụ cột chính của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tăng cường quốc phòng và năng lực của Lực lượng phòng vệ./.