Trung Quốc âm mưu “cản đường quay lại” châu Á của Mỹ
VOV.VN - Theo giới phân tích, dù Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng ở châu Á nhưng ngày càng có nhiều nước tỏ ra dè chừng hơn với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh Mỹ đang tích cực triển khai chiến lược quay trở lại châu Á thì Trung Quốc cũng không chịu ngồi yên khi chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm đối phó với Mỹ chẳng hạn như định hình “Con đường tơ lụa” mới, hay sáng kiến xây dựng Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á với số vốn lên tới 50 tỷ USD.
Giới quan sát cho rằng, mặc dù lãnh đạo Trung Quốc không đặt tên hay công khai mục đích chính của hàng loạt các sáng kiến đang ngày càng nở rộ này, nhưng rõ ràng Bắc Kinh đang định hình các cơ cấu tài chính và an ninh châu Á theo hướng mà nước này mong muốn.
Ông Tôn Triết, Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng chiến lược đối trọng của riêng mình và tất cả các chính sách này đều nhằm vào Mỹ.
Một trong những đột phá ngoại giao của Trung Quốc là làm sống lại Hội nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin và tương tác tại châu Á vốn bị lãng quên kể từ khi Kazakhstan đề xuất từ năm 1992 nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh. Trong hội nghị thượng đỉnh mới đây nhất diễn ra vào tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một “khái niệm an ninh châu Á” mới, khi cho biết Bắc Kinh sẽ thúc đẩy công thức của một bộ quy tắc ứng xử an ninh khu vực và chương trình đối tác an ninh châu Á.
Mặc dù vậy, ông Tập Cận Bình lại không hề nhắc đến các tuyên bố đơn phương về chủ quyền trên các vùng biển lân cận đang gây căng thẳng cho khu vực mà chỉ cảnh báo nguy cơ bất ổn ám chỉ Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương.
Không chỉ vậy, với sáng kiến xây dựng Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á trị giá 50 tỷ USD mà Bắc Kinh tuyên bố sẽ đóng góp tới 50%, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang muốn có một cơ chế tài chính đối trọng với Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á tại khu vực này.
Đánh giá về tất cả các động thái trên của Trung Quốc, chuyên gia Goodman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ cho rằng, Bắc Kinh từ lâu đã sử dụng ngoại giao tươi cười với khu vực nhưng thách thức lớn nhất đối với nước này là rất nhiều các quốc gia láng giềng đã nhìn thấy “con dao giấu bên dưới chiếc áo choàng” của Trung Quốc./.