Trung Quốc cấm nhập cảnh đối với 2 học giả Australia
VOV.VN - Phía Trung Quốc đã tiến hành trả đũa Australia bằng cách cấm nhập cảnh đối với 2 học giả của nước này.
Trong một động thái trả đũa việc Australia hủy thị thực của hai học giả Trung Quốc, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với hai học giả được cho là chống Trung Quốc của Canberra.
Hai học giả Australia bị cấm nhập cảnh là ông Clive Hamilton và Alexander Joske. Trong đó, ông Clive Hamilton là giáo sư về đạo đức học tại Đại học Charles Sturt, còn ông Alexander Joske là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược Australia (ASPI).
Thông tin cấm nhập cảnh đối với hai học giả này vừa được tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo công bố hôm nay (24/9). Đây được coi là hành động trả đũa của Bắc Kinh trước quyết định hủy thị thực nhập cảnh của hai học giả Trung Quốc mà Canberra đưa ra mới đây vì những quan ngại liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo báo chí Trung Quốc, từ năm 2017 đến nay, ông Clive Hamilton từng nhiều lần xuất bản các cuốn sách và bài viết, “vu khống” Trung Quốc tạo ảnh hưởng và thâm nhập các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ và Australia, bằng cách đánh cắp thông tin tình báo thông qua các thông tin công khai và hacker.
Các cuốn sách của học giả này được Bắc Kinh liệt kê gồm "Cuộc xâm lăng thầm lặng" (Silent Invasion) xuất bản năm 2018 và “Bàn tay ẩn giấu” (Hidden Hand) ra đời năm 2020.
Trong khi đó, nghiên cứu viên Alexander Joske làm việc cho ASPI, viện nghiên cứu được mệnh danh là "ngọn cờ đầu" chống Trung Quốc ở Australia. Làm việc cho tổ chức này kể từ năm 2018 đến nay, học giả này đã có nhiều bài viết chỉ trích việc hợp tác với nước ngoài của các trường đại học Trung Quốc là nhằm "mục đích quân sự". Ông còn cùng với phóng viên Australia làm đậm vụ điệp viên Vương Lập Cường (Wang Liqiang) bị Trung Quốc gọi là "gián điệp tự xưng" và "kẻ lừa đảo đang bị truy nã".
Học giả này cũng từng đăng tải nhiều bài viết về Đại học Quốc phòng và các trường đại học liên quan đến quân đội của Trung Quốc trong các năm 2018, 2019, cho rằng hàng ngàn học viên Trung Quốc đang theo học tại các nước như Mỹ, Anh, Australia đều do quân đội nước này cử đi, nhằm lợi dụng việc giao lưu hợp tác để "đánh cắp các công nghệ tối tân của phương Tây", hoặc tận dụng cơ hội hợp tác với các trường đại học và cơ sở nghiên cứu khoa học của Australia "đánh cắp các thông tin cơ mật về vũ khí mũi nhọn" của nước này thông qua tấn công mạng.
Động thái trả đũa mới nhất này cho thấy quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đang không ngừng xấu đi do mâu thuẫn giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực ngày càng trở nên gay gắt./.