"Trung Quốc, châu Phi cần tăng cường đoàn kết hơn bao giờ hết"
VOV.VN - Phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm “Ngày châu Phi” tại Bắc Kinh hôm qua (25/5), Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh, trước những vu khống ác ý và cản trở phá hoại, Trung Quốc và châu Phi cần tăng cường đoàn kết và hợp tác hơn bao giờ hết.
Buổi chiêu đãi có sự tham dự của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia Demeke Mekonnen Hassen, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) Christophe Lutundula Apala Pen'Apala và Đại sứ các nước châu Phi tại Bắc Kinh.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu tại đây, Ngoại trưởng Tần Cương cho rằng, 10 năm qua, sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-châu Phi đã nhấn “nút tăng tốc” và bước vào thời đại mới xây dựng một cộng đồng chung chặt chẽ hơn.
Ông cho rằng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay đang gặp khó và khoảng cách phát triển ngày càng lớn. Ông chỉ trích không nêu đích danh một số quốc gia để duy trì vị thế bá quyền, không ngần ngại gây chia rẽ đối đầu, bịa đặt những lời dối trá và những câu chuyện sai sự thật như cái gọi là “bẫy nợ”, “chủ nghĩa thực dân mới” và “dân chủ chống lại độc tài” để vu khống ác ý và cản trở phá hoại hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi.
Ông nhấn mạnh, Trung Quốc và châu Phi cần tăng cường đoàn kết và hợp tác hơn bao giờ hết, cho rằng “mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi càng chặt chẽ thì hòa bình thế giới càng được đảm bảo, hợp tác Trung Quốc - châu Phi càng thành công thì sự phát triển của thế giới càng có hy vọng”.
Ông cũng đưa ra 5 đề xuất tăng cường hợp tác với châu Phi, gồm bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, tăng cường hơn nữa sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, phát triển và phẩm giá của nhau; tích cực thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa đặc sắc của mỗi bên, thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất với “Chương trình nghị sự 2063” của Liên minh châu Phi; cùng nhau thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu; phấn đấu vì an ninh chung, “hạ nhiệt” các vấn đề điểm nóng ở châu Phi và thế giới, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hơn nữa giao lưu và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh, thúc đẩy việc nhanh chóng thực hiện Sáng kiến Văn minh Toàn cầu tại châu Phi./.