Trung Quốc có thể thiếu 130 triệu tấn lương thực vào cuối giai đoạn 2021-2025
VOV.VN - Dự báo được đưa ra trong Báo cáo phát triển nông thôn Trung Quốc 2020 của Viện Khoa học Xã hội nước này.
Theo dự báo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc sẽ đạt 65,5%, tỷ trọng người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm khoảng 20%, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở khu vực nông thôn sẽ đạt 25,3%, tức khoảng 124 triệu người.
5 tỉnh, thành gồm Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Bắc Kinh và Thiên Tân, sẽ là những nơi đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vào khoảng trước hoặc sau năm 2025 ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến cuối giai đoạn 2021-2025, nước này có thể sẽ thiếu khoảng 130 triệu tấn lương thực, trong đó các loại ngũ cốc thiếu khoảng 25 triệu tấn.
Báo cáo nhận định, hiện nay, sự phát triển của nông thôn Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn và vấn đề, như tính tích cực của nông dân trong việc trồng cây lương thực đang giảm sút, việc tăng thu nhập bền vững cho nông dân ngày càng gặp khó khăn, tình trạng già hóa dân số ở nông thôn ngày càng nghiêm trọng, các khâu yếu trong vấn đề dân sinh ở nông thôn bộc lộ rõ, phân hóa giữa các thôn làng ngày càng sâu sắc, cần được chú trọng cao độ.
Báo cáo cho biết, tư tưởng tổng thể về phát triển nông thôn của Trung Quốc trong thời kỳ 5 năm lần thứ 14, tức giai đoạn 2021-2025 là: lấy đảm bảo an ninh lương thực quốc gia làm tiền đề; lấy đi sâu cải cách thể chế và đẩy nhanh sáng tạo khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển chất lượng cao nông nghiệp nông thôn làm chủ đạo; trọng điểm là nâng cấp ngành nghề nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công ở nông thôn, thúc đẩy tăng thu nhập và làm giàu bền vững cho nông dân, nâng cao toàn diện năng lực quản trị tổng hợp, đẩy nhanh việc xây dựng làng quê tươi đẹp, thông minh và quản trị tốt, đặt nền móng vững chắc cho việc cơ bản thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vào năm 2035.
Thời gian gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm tại nước này. Ông nhắc nhở người dân Trung Quốc đề cao cảnh giác về khủng hoảng an ninh lương thực, cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này.
Ngay sau đó, hàng loạt các địa phương và bộ ngành ở nước này đã bắt tay hành động và đưa ra nhiều biện pháp tiết kiệm thực phẩm./.