Trung Quốc “đau đầu” đối phó với tình trạng già hóa dân số
VOV.VN - Để ứng phó với áp lực trở thành xã hội "siêu già", Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Trung Quốc bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số vào khoảng năm 2000. Theo số liệu thống kê được báo chí Trung Quốc trích dẫn, hiện nay nước này có khoảng 250 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 18% dân số và mỗi năm người cao tuổi của Trung Quốc vẫn đang tăng hơn 80 triệu.
Ảnh minh họa: CNN. |
Có dự báo cho rằng, đến năm 2050, dân số già nước này sẽ đạt tới 480 triệu người, chiếm 34,1% tổng dân số. Trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, chỉ cần dân số trên 65 tuổi vượt 20% là đã bước vào xã hội "siêu già".
Để đối phó với xã hội "siêu già" đang đến gần, hôm qua (16/4), chính phủ Trung Quốc vừa công bố những quy định về việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Theo đó, chính quyền các cấp sẽ tăng nguồn kinh phí phúc lợi phục vụ công tác chăm sóc người già, cấp phát trợ cấp cho người cao tuổi, cung cấp dịch vụ chăm sóc miễn phí hoặc chi phí thấp cho người già neo đơn, khó khăn, phát triển các hình thức chăm sóc, giải trí cho người cao tuổi ngay tại khu dân cư.
Bên cạnh đó, các cơ sở chăm sóc người già sẽ được hưởng hàng loạt các ưu đãi về vốn, thuế phí, thủ tục, đất đai..., nguồn vốn xã hội cũng được khuyến khích tham gia vào lĩnh vực này. Một cơ chế giám sát thực thi, đánh giá bình xét sẽ được đưa ra để đảm bảo các chính sách này được thực hiện trên thực tế.
Người cao tuổi Trung Quốc. Ảnh: Chinanews. |
Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành Trung Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ những gia đình con một có cha mẹ từ 60 tuổi trở lên, như: cha mẹ được hưởng trợ cấp hoặc con cái nếu đang đi làm sẽ được hưởng thêm ngày nghỉ chăm sóc khi bố mẹ nằm viện nhưng vẫn được hưởng nguyên lương... Được biết, hiện nay Trung Quốc có khoảng 145 triệu người là con một.
"Báo cáo nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi Trung Quốc 2018" cho biết, già hóa dân số đang tạo nên những thay đổi và điều chỉnh về phương thức phát triển và cơ cấu kinh tế của nước này. Dự báo, đến năm 2050, 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ đến từ người già, "ngành kinh tế dưỡng lão" sẽ trở thành trụ cột quan trọng của kinh tế Trung Quốc./.