Trung Quốc dọa ngừng bán đất hiếm, Mỹ ráo riết tìm nguồn cung mới
VOV.VN - Chính phủ Mỹ đề ra một chiến lược sâu rộng để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đe dọa ngừng bán các khoáng sản này.
Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo dài 50 trang, phác thảo một loạt các biện pháp, bao gồm các bước để tăng nguồn cung trong nước, nhằm giảm các lỗ hổng chiến lược gây ra bởi sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ảnh minh họa: Reuters. |
Năm 2018, khoảng 59% lượng hàng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ - vốn rất quan trọng đối với thiết bị quân sự và điện tử tiêu dùng - đến từ Trung Quốc, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ. Báo cáo lưu ý rằng trong số 35 khoáng sản được coi là trọng yếu của Chính phủ Mỹ, nguồn cung của 31 loại chủ yếu đến từ các nguồn nước ngoài và 14 loại hoàn toàn từ nhập khẩu.
"Những khoáng sản quan trọng này thường bị bỏ qua nhưng cuộc sống hiện đại mà không có chúng là không thể", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết hôm 4/6. "Thông qua các khuyến nghị được nêu chi tiết trong báo cáo này, Chính phủ liên bang sẽ có hành động chưa từng có để đảm bảo rằng Mỹ sẽ không bị cắt đứt khỏi các vật liệu quan trọng này."
Báo cáo mới nhất của Mỹ được đưa ra sau một loạt các leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, cả hai bên tăng thuế đối với hàng tỷ USD hàng xuất khẩu - bao gồm cả thuế của Trung Quốc đối với các khoáng sản - sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng mà không có kết quả.
Hai bên đổ lỗi cho nhau vì sự bế tắc này. Mỹ cáo buộc Trung Quốc cố gắng loại bỏ các cam kết trước đây về các vấn đề như bảo vệ sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, mất cân bằng thương mại, chuyển giao công nghệ và trợ cấp nhà nước. Ngược lại, Bắc Kinh đã cáo buộc Washington cố gắng áp đặt nhiều yêu cầu hơn đối với họ.
Khi cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lan từ thương mại và công nghệ sang các mặt trận chiến lược khác, Trung Quốc, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, đe dọa sẽ chơi "lá bài" này.
Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về các khoáng sản đạt gần 92 triệu USD trong năm 2018, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ. Ủy ban Tài nguyên và Phát triển quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch hàng đầu của Trung Quốc, cho biết hôm 4/6 rằng các chuyên gia trong lĩnh vực này đã thúc giục họ xem xét việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và thiết lập một cơ chế kiểm tra kỹ lưỡng hơn đối với xuất khẩu.
Một hội nghị chuyên đề gần đây do cơ quan này tổ chức cũng tranh luận về việc liệu ngành công nghiệp có nên gia tăng giám sát nhằm ngăn chặn việc sản xuất bất hợp pháp và buôn lậu đất hiếm hay không.
Bộ Thương mại Mỹ sau đó đã công bố báo cáo đưa ra 61 khuyến nghị về khả năng tự cung cấp khoáng sản quan trọng của Mỹ, bao gồm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển chuỗi cung ứng trong nước, tăng thương mại và hợp tác với các đồng minh, đánh giá các nguồn khoáng sản ở Mỹ và hợp lý hóa giấy phép khai thác.
"Nếu Trung Quốc hoặc Nga ngừng xuất khẩu sang Mỹ và các đồng minh trong một thời gian dài - tương tự như lệnh cấm vận đất hiếm của Trung Quốc năm 2010 với Nhật Bản - một sự gián đoạn cung cấp kéo dài có thể gây ra những cú sốc đáng kể trên toàn chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Mỹ và nước ngoài", báo cáo cho biết. Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 sau khi tranh chấp về Quần đảo Senkaku, còn được gọi là Điếu Ngư, giữa hai nước leo thang.
Helen Lau, một nhà phân tích về khai thác kim loại và khoáng sản tại Công ty Chứng khoán Argonaut, cho biết, theo quan điểm của Trung Quốc, quy định nghiêm ngặt hơn với ngành công nghiệp đất hiếm của họ sẽ đạt được hai mục tiêu, ngoài việc sử dụng nó làm đòn bẩy chống Mỹ còn giúp giải quyết một loạt vấn đề môi trường.
"Trong một thập niên, Mỹ đã không phát triển ngành khai thác và chế biến đất hiếm của họ, mặc dù họ rất giàu tài nguyên đất hiếm", ông Lau nói. Tôi nghĩ rằng đó là điều hợp lý khi một quốc gia muốn cải thiện sự phụ thuộc quá mức của họ (vào những người khác) đối với một số khoáng sản quan trọng"./.