Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS vì phán quyết của PCA
VOV.VN - Nguy cơ đối mặt với một phán quyết bất lợi từ PCA, Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS hòng cứu vãn tình hình hiện nay.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao ngày 20/6 cho biết, Trung Quốc dọa sẽ rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và coi đây là biện pháp đối phó nếu phải chịu một phán quyết bất lợi trong vụ kiện của Philippines về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đá Subi bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. (Ảnh: CSIS)
Theo các nguồn tin ngoại giao, điều Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan là quyết định về việc áp dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” mơ hồ trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương vẽ ra.
Trung Quốc cho rằng, trong kịch bản xấu nhất, PCA sẽ bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Bắc Kinh trên Biển Đông khi cho rằng chúng không dựa theo luật pháp quốc tế đồng thời vô hiệu hóa yêu sách “đường 9 đoạn”của nước này.
Nguồn tin của Kyodo cho biết, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về khả năng rút khỏi UNCLOS 1982 – bản Công ước vốn được coi như bản Hiến pháp của các đại dương nếu kết quả như trên trở thành hiện thực.
Nhiều chuyên gia tin rằng, phán quyết của PCA sẽ tạo bất lợi cho phía Trung Quốc. Bất chấp việc Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS từ năm 1996 nhưng nước này lại luôn khăng khăng không chấp nhận, không tôn trọng phán quyết của PCA và ngang ngược cho rằng, PCA không có thẩm quyền đối với hồ sơ vụ kiện này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chỉ trích việc đệ đơn lên PCA của Philippines là hành động “đơn phương”, phá vỡ thỏa thuận trước đây giữa hai nước để cố gắng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương.
Tuy nhiên, hành động của Philippines lại nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản. Các nước đều cho rằng, đây là bước đi tiến tới giải quyết các bất đồng và giảm bớt căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế.
Trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ngừng can thiệp vào tình hình khu vực, những nước mà Bắc Kinh mô tả họ là “người ngoài” đã lên tiếng khẳng định họ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng có trách nhiệm phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm suy yếu trật tự khu vực.
Nhiều nước đã và đang tiếp tục gây áp lực, buộc Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết sắp tới của PCA nếu như Trung Quốc muốn trở thành một nước lớn và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Không những tuyên bố không công nhận phán quyết của PCA, Trung Quốc thậm chí còn tố Mỹ “không có quyền nói về vụ kiện ở Tòa Trọng tài” vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đang tìm cách “kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của họ” trong “vòng kim cô” mang danh luật pháp quốc tế.
Song song với những tuyên bố thể hiện thái độ “bất cần”, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược tuyên truyền rầm rộ cho cái mà nước này cho là “lẽ phải” bằng việc rêu rao có tới 60 nước ủng hộ họ trong vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, sự thật về bản danh sách này đã bị phanh phui khi nhiều nước “bỗng dưng” có tên trong danh sách lên tiếng phản đối. Thực tế chỉ có 8 nước công khai tuyên bố ủng hộ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và tẩy chay các thủ tục tố tụng của Tòa tại La Hay, Hà Lan.
Theo nghiên cứu riêng của The Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington, 8 nước nói trên bao gồm: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho./.