Nỗ lực kháng chiến ở Panjshir chống lại Taliban chỉ là ảo tưởng?
VOV.VN - Sau khi Taliban giành chính quyền gần như trên toàn lãnh thổ Afghanistan vào ngày 15/8/2021, Phó Tổng thống nước này Saleh lui về Panjshir cố thủ. Tuy nhiên, phong trào "kháng chiến" chống Taliban tại đây có thể không đủ thực lực và rốt cuộc sẽ chẳng đi tới đâu.
Mọi thứ có thể không như nhiều người vẫn nghĩ
Khi Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh lui về vùng thung lũng Panjshir để dẫn dắt phong trào kháng chiến chống Taliban tại đây giống như phong trào Liên minh phương Bắc cuối thập niên 1990, nhiều nhà phân tích đơn giản cho rằng kế hoạch lớn của Taliban đã bị phá hỏng.
Tuy nhiên mọi việc không đơn giản như vậy. Nhiều câu chuyện về huyền thoại Panjshir chỉ là... thêu dệt. Câu chuyện thường được kể là chính tại đây quân đội Liên Xô vấp phải sự kháng cự dữ dội lần đầu tiên sau khi can thiệp vào Afghanistan vào năm 1980. Ông Saleh có lẽ đang cố khai thác câu chuyện quá khứ này.
Người ta thường kể rằng quân đội Xô viết đã hứng chịu một thất bại thảm hại mang tính quyết định ở Panjshir. Nhưng sự thật là chiến dịch do quân đội Liên Xô thực hiện ở đây gồm một chuỗi các chiến dịch nhỏ hơn, có lẽ khoảng 9 chiến dịch nhỏ để truy kích phiến quân Hồi giáo trong giai đoạn từ năm 1980-1985, mà kết quả thường không rõ ràng, chủ yếu là do sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo ở Moscow (Nga). Nên nhớ là, ngay từ năm 1986, nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã công bố ý định rút quân khỏi Afghanistan.
Ngoài ra còn có một điều ít người biết đến hơn, đó là cơ quan tình báo KGB của Liên Xô đã đạt được một thỏa thuận với thủ lĩnh quân nổi dậy là Ahmad Shah Massoud. Theo đó, quân đội Liên Xô sẽ chấm dứt hoạt động quân sự của mình tại Afghanistan, còn lính của Massoud sẽ tránh tấn công các căn cứ của Liên Xô ở Panjshir và không quấy nhiễu hoạt động di chuyển quân sự của Liên Xô qua đường hầm Salang (nối thủ đô Kabul với quân khu phía Nam của nước Uzbekistan Xô viết ở Termez, nơi đặt sở chỉ huy của toàn bộ lực lượng Xô viết tham chiến ở Afghanistan).
Chính thông qua đường hầm Salang mà các đội quân Xô viết cuối cùng rút an toàn về nước vào năm 1989. Trong khi đó, chính phủ Afghanistan thời đó cố gắng phá thỏa thuận giữa KGB và Massoud.
Và người đã sinh ra các câu chuyện thần bí trên được cho chính là phong trào kháng chiến cuối thập niên 1990 dưới ngọn cờ mang tên Liên minh phương Bắc.
Phong trào kháng chiến Panjshir không đủ mạnh, còn Taliban và Nga đều thực dụng
Liên minh phương Bắc thực ra một liên minh lỏng lẻo của các nhóm hay tranh cãi với nhau và trên thực tế, khó gọi đó là một liên minh thực thụ. Tổ chức này liên tục đánh mất lãnh thổ vào tay Taliban. Nếu như không có sự can thiệp của Mỹ sau loạt tấn công 11/9/2001 thì Taliban đã giành thắng lợi tuyệt đối vào năm đó rồi.
Có 3 nước lớn trong khu vực chống lưng cho Liên minh phương Bắc; nếu thiếu sự ủng hộ đó thì liên minh này đã tan rã rồi.
Tình báo Nga đã từ lâu có quan hệ với Panjshir. Ngày nay, Moscow đơn giản là không thể cho phép một cuộc kháng cự Taliban nữa hủy hoại tình hình an ninh của Nga, vì một phong trào kháng chiến như thế chỉ có lợi cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hiện diện đáng kể ở khu vực miền bắc Afghanistan giáp với Trung Á.
Moscow có lẽ hiểu rõ rằng ông Saleh vốn là người của CIA, nên phong trào kháng chiến nếu nổ ra sẽ bất lợi cho Nga, Trung Quốc, và Iran.
Ngoài ra, Saleh còn gặp khó khăn lớn trong việc tập hợp lực lượng ở Panjshir theo mình. Ngay cả thời Massoud còn sống, các trợ lý của ông này còn hục hặc với nhau. Sau khi Massoud bị ám sát vào năm 2001 thì liên minh đó rã đám.
Do vậy Taliban với đầu óc thực dụng đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để hòa giải với những thành phần Panjshir có thể hòa giải được. Taliban có thể đưa ra một công thức nào đó về chia sẻ quyền lực.
Taliban có lẽ chỉ bao vây chứ chưa muốn tấn công Panjshir ngay. Về mặt lịch sử, Taliban có truyền thống coi giải pháp quân sự như lựa chọn cuối cùng.
Taliban có lẽ đã biết đến lịch sử giao dịch ngầm giữa Liên Xô và phái Panjshir. Về phần mình, Nga coi đây là cơ hội để thúc đẩy hình thành một chính phủ lâm thời ở Kabul.
Mối quan tâm chính của Nga là ngăn ngừa một thời kỳ xung đột nữa vì điều này có lợi cho IS. Nga sợ một cuộc xung đột kéo dài nữa như cuộc chiến Syria ngay trước thềm khu vực Trung Á./.