Trung Quốc khẳng định không có chất melamine trong các mẫu xét nghiệm sữa mới

Đây là các sản phẩm được ghi nhãn sản xuất sau ngày 14/9/2008, thời điểm bùng nổ vụ bê bối sữa nhiễm độc làm 4 trẻ tử vong và hàng chục nghìn trẻ em khác bị mắc bệnh sạn thận.

Ngày 5/10, Tổng Cục Kiểm tra, giám sát và kiểm dịch chất lượng Trung Quốc tuyên bố không phát hiện chất melamine trong các mẫu xét nghiệm mới đối với các sản phẩm sữa bột đang được bán trong nội địa.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp sản xuất sữa tại Trung Quốc.

Theo cơ quan trên, kết quả xét nghiệm 129 mẫu sữa bột trẻ em và 212 mẫu các sản phẩm sữa khác cho thấy không nhiễm chất melamine.

Cơ quan trên cũng cho biết đã cử hơn 5.000 thanh tra viên chất lượng đến các nhà máy sản xuất sữa bột cho trẻ em để giám sát 24/24h quy trình chế biến. Trước đó, cơ quan này đã thừa nhận các mẫu xét nghiệm sản phẩm sữa bột dành cho người lớn có nhãn sản xuất trước ngày 14/9 vẫn phát hiện nhiễm melamine.

CÁC TIN, BÀI LIÊN QUAN
>>
Trung Quốc bắt giữ nhiều nghi can cung cấp melamine

>> Trà Lipton cũng “dính” melamine

>> Phát hiện một số thực phẩm có chứa chất melamine

>> Ma Cao phát hiện chất melamine trong sữa và bánh ngọt

Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp nghiêm khắc nhằm khôi phục lòng tin của người tiêu dùng như phạt nặng các quan chức địa phương liên đới trách nhiệm trong vụ bê bối, cam kết bảo đảm nguồn cung sữa sạch cho người dân. Ngoài ra, đối với các nông dân cung cấp sữa bị thiệt hại kinh tế nặng do tiêu thụ sữa giảm sau khi xảy ra vụ bê bối, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng thông báo sẽ tiến hành trợ giá song không công bố chi tiết của kế hoạch này.

Trong khi đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục tẩy chay các loại thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngày 5/10, Chính phủ Myanmar đã tiêu huỷ 16 tấn sữa bột trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo công dân không nên sử dụng các sản phẩm bơ sữa của nước này.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã quyết định thu hồi ba loại sAh chiản phẩm bim bim, chocolate, đậu phộng của công ty Mars và Nestle có nguồn gốc từ công ty Nestle Thiên Tân (Trung Quốc) mặc dù công ty Mars cho rằng lượng melamine được phát hiện trong các sản phẩm này rất thấp và không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Australia đã ban hành lệnh thu hồi sản phẩm trà sữa Kirin sau khi phát hiện có độc tố. Đây là sản phẩm có chứa sữa thứ tư của Trung Quốc bị Australia thu hồi. Trước đó, nước này cũng đã thu hồi kẹo "Con thỏ trắng" (White Rabbit) và kẹo chocolate Cadbury của Trung Quốc.

Cùng ngày, tại Hồng Kông, Trung tâm an toàn thực phẩm của Hồng Kông (CFS) cũng đã phát hiện thấy chất melamine trong hai sản phẩm của hãng kẹo nổi tiếng Cadbury.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế nước này Liow Tiong Lai cho biết đang thắt chặt kiểm soát việc nhập khẩu các loại rau từ Trung Quốc sau khi Hàn Quốc đã phát hiện một hàm lượng lớn chất melamine có trong các loại hoa quả và rau nhập khẩu từ Trung Quốc./.