Trung Quốc phản ứng thế nào khi Nhật, Ấn, Mỹ tập trận chung?
VOV.VN - Ngày 17/10, Mỹ vừa triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một tàu ngầm nguyên tử đến tham gia cuộc tập trận với Ấn Độ và Nhật Bản.
Cuộc tập trận chung mang tên Malabarr 2015 diễn ra trên Vịnh Bengal cùng Ấn Độ và Nhật Bản.
Lần trước Ấn Độ đăng cai tổ chức các cuộc tập trận đa phương ở vùng biển nước này vào năm 2007 đã khiến Trung Quốc lo ngại đây là kiểu liên minh như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.
Giới quan sát đang chờ đợi phản ứng của Trung Quốc vì cuộc tập trận lần này diễn ra trên con đường hàng hải vận chuyển đến 75% nhu cầu dầu khí nước này.
Trực thăng hải quân Mỹ bay lượn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong cuộc tập trận chung Malabarr 2015. (ảnh: AP). |
Ngoài tàu sân bay lớp Nimitz Theodore Roosevelt, Mỹ cũng mang đến cuộc tập trận lần này tàu tuần dương mang tên lửa hành trình U.S.S. Normandy, tàu chiến đấu duyên hải U.S.S. Fort Worth, máy bay P-8A Poseidon và tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles.
Sỹ quan chỉ huy của tàu sân bay Theodore Roosevelt Craig Clapperton cho rằng, cuộc tập trận năm nay là một cơ hội lớn để thắt chặt liên kết trên biển giữa 3 nước.
“Đây là một cuộc tập trận trên biển rất phức tạp giữa hải quân Mỹ, Ấn Độ và Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Chúng tôi có một cơ hội rất lớn để 3 lực lượng nổi bật này cùng thao tác trong tất cả các chiến dịch trên biển, bao gồm cả phối hợp với không quân. Cuộc tập trận này sẽ có hoạt động bảo vệ an ninh trên biển, chiến dịch bảo vệ biên giới, phòng không và chiến dịch chống tàu ngầm. Vì thế phải nói rằng đây là một cuộc tập trận toàn diện trên biển”, Sĩ quan Craig Clapperton nói.
Phó Tư lệnh hải quân, Chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ Joseph P. Aucoin cho biết: “Như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tán thành, chúng tôi mong muốn tìm hiểu xem Ấn Độ và Mỹ có thể cùng nhau làm gì cho thế giới, tăng cường giá trị dân chủ ở khắp mọi nơi”.
Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc tập trận Malabarr từ năm 1992 nhưng 8 năm trước, cuộc tập trận này lần đầu tiên có thêm sự tham gia của Nhật Bản, một động thái được cho là đã khiến Trung Quốc quan ngại. Hải quân Ấn Độ cho biết, cuộc tập trận chung vốn đã phức tạp và đòi hỏi thao tác kỹ thuật cao này ngày càng tăng cường về quy mô và mức độ tinh vi.
Nhật Bản không tham gia đều các cuộc tập trận Malabar những năm trước đó nhưng từ năm nay, chính phủ Nhật Bản cùng chính phủ Mỹ và Ấn Độ đã chính thức hóa vai trò của Nhật Bản trong cuộc tập trận này.
Phó Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, Phó Đô đốc Murakawa cho biết: “Mục đích của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản khi tham gia cuộc tập trận này là nhằm tăng cường khả năng tác chiến cũng như phối hợp với hải quân Mỹ và Ấn Độ. Tôi cho rằng chúng ta đang đứng trước thách thức chung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là phải đảm bảo tự do và mở cửa, sự thịnh vượng của đại dương phải dựa trên luật pháp quốc tế. Theo chính sách của chính phủ Nhật Bản về việc chủ động đóng góp tích cực cho hòa bình, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác với Mỹ và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương”.
Việc chính thức nâng cuộc tập trận Malabar lên thành “ba bên” được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản đặt ra nhiều quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ấn Độ vốn giữ khoảng cách với những căng thẳng và tranh chấp trên Biển Đông nhưng cũng đứng về phiá Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á trong việc kêu gọi tự do hàng hải ở khu vực./.