Trung Quốc phản ứng về bạo loạn ở trụ sở quốc hội Mỹ, Nhật Bản nhất quán ủng hộ Joe Biden
VOV.VN - Bình luận về vụ bạo loạn xảy ra ở nhà quốc hội Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã so sánh thái độ của Mỹ giữa vụ việc này và các cuộc bạo loạn xảy ra ở Hong Kong trước đây, trong khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo công dân ở Washington thực thi các biện pháp an toàn.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh có chú ý tới cuộc bạo loạn xảy ra ở Washington.
Bên cạnh việc bày tỏ hy vọng người dân Mỹ sớm có được hòa bình, ổn định và an ninh, bà không quên so sánh thái độ của Mỹ trước vụ việc trên và các cuộc biểu tình, bạo loạn trước đây từng xảy ra ở Hong Kong.
Người phát ngôn nói: “Tôi cho rằng, một số người Mỹ đã có phản ứng và cách sử dụng từ ngữ hoàn toàn khác biệt giữa vụ việc xảy ra ở Hong Kong năm 2019 và vụ việc đang xảy ra tại Mỹ ngày hôm nay. Sự đối lập rõ rệt này và những nguyên nhân đằng sau nó đáng để suy ngẫm, đáng để chúng ta suy nghĩ lại một cách nghiêm túc và sâu sắc.”
Bà dẫn lại các cụm từ mà truyền thông Mỹ gọi vụ việc ở nhà quốc hội và người biểu tình tại Washington là “vụ bạo loạn”, “kẻ tội đồ”, “phần tử cực đoan”..., trong khi lại miêu tả các phần tử biểu tình ở Hong Kong là những “anh hùng dân tộc”.
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã cảnh báo công dân ở gần khu vực Đồi Capitol thực hiện các biện pháp an toàn trước bạo loạn và Covid-19.
Trong thông báo của mình, Đại sứ quán đã nhắc nhở công dân Trung Quốc tại Mỹ chú ý đến tình hình an ninh và dịch bệnh tại địa phương, đồng thời nhắc nhở người dân đề cao cảnh giác và quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa an ninh, cẩn trọng khi đến những khu vực công cộng và phải báo cảnh sát trong trường hợp gặp nguy hiểm hoặc khẩn cấp.
Trong khi đó, người phát ngôn của cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã lên tiếng về việc khu vực tác nghiệp của các cơ quan truyền thông nước này ở sở tại bị người biểu tình tấn công, đập phá, đồng thời hối thúc chính quyền địa phương thực hiện những biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho các phóng viên Trung Quốc.
Mạng xã hội Trung Quốc cũng tràn ngập hình ảnh và bình luận về bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ, đồng thời so sánh với cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019.
Trong một diễn biến liên quan, ngay sau khi có tuyên bố ông Joe Biden thắng cử, trở thành Tân Tổng thống Mỹ, dư luận Nhật Bản đã có những bình luận, đánh giá đầu tiên theo hướng ủng hộ ông Biden.
Có thể khẳng định rằng, từ tháng 11/2020 cho đến nay, quan điểm nhất quán của Nhật Bản là tin tưởng ông Joe Biden sẽ là Tổng thống Mỹ, theo đó, hy vọng hai nước sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh, đóng góp vào việc đảm bảo hòa bình, tự do, phồn vinh của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và thế giới. Thủ tướng Suga Yoshihide cũng đang có kế hoạch thăm Mỹ vào đầu năm nay nhằm thúc đẩy quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
Trước đó, một số lãnh đạo Nhật Bản cho rằng việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ giúp “Hiệp định Paris” được thực hiện trở lại, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về giảm thiểu khí thải gas vào năm 2050 nhanh chóng hơn. Ông Joe Biden là một nhân vật giàu kinh nghiệm và có tri thức tuyệt vời. Hy vọng ông sẽ lãnh đạo nước Mỹ và có trách nhiệm lớn đối với cộng đồng quốc tế. Điều này rất quan trọng đối với Nhật Bản.
Trên thực tế, từ tháng 11 năm ngoái, sau khi ông Joe Biden tuyên bố thắng cử và số phiếu được công bố thì Nhật Bản cũng đã gửi lời chúc mừng tới ông Joe Biden. Và từ thời điểm đó cho đến giờ, truyền thông Nhật Bản đều đưa tin, bình luận nhiều hơn ở góc độ ông Joe Biden là Tân Tổng thống Mỹ, còn việc ông Donald Trump có những tuyên bố về sự gian lận nào đó trong cuộc bầu cử thì chính phủ Nhật Bản tuyệt đối không có bình luận nào, còn truyền thông thì cũng chỉ phân tích một số kịch bản theo chiều hướng ông Joe Biden là Tân Tổng thống Mỹ.
Cho đến ngày hôm nay, khi vụ bạo loạn tại nhà Quốc hội Mỹ xảy ra, truyền thông của Nhật Bản cũng không rầm rộ đưa tin về sự kiện này. Nhưng việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ trong hoàn cảnh đặc biệt, khiến truyền thông Nhật Bản có những góc độ nhìn nhận mới về triển vọng hợp tác song phương cũng như đóng góp của hai nước đồng minh cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, lợi ích chung của hai dân tộc./.