Trung Quốc phát hiện SARS-CoV-2 trên thực phẩm, WHO nói chưa đủ bằng chứng

VOV.VN - Giữa bối cảnh Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trong thực phẩm đông lạnh, WHO nói chưa có đủ bằng chứng về sự lây lan của virus này qua thực phẩm.

Hai thành phố của Trung Quốc đã phát hiện ra dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong các loại hàng hóa đông lạnh nhập khẩu, các nhà chức trách địa phương cho biết hôm 13/8 trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hạ thấp nguy cơ về sự lây lan của chủng virus này trong dây chuyền thực phẩm.

Một mẫu vật được lấy từ cánh gà nhập khẩu từ Brazil vào thành phố Thâm Quyến và các mẫu khác được lấy từ bao bì đóng gói tôm Ecuador được bày bán trong thành phố Tây An đã cho thấy sự tồn tại của virus SARS-CoV-2, các nhà chức trách địa phương Trung Quốc cho hay.

Giữa bối cảnh số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu gia tăng, những phát hiện này đã làm dấy lên mối lo ngại mới về việc virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua các bề mặt và xâm nhập vào dây chuyền thực phẩm. Trước đó 1 ngày, nhà chức trách bắt đầu điều tra xem liệu các ca mắc Covid-19 đầu tiên ở New Zealand trong hơn 3 tháng qua có phải đến từ các chuyến hàng hay không.

Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại lên tới 2 năm ở nhiệt độ âm 20 độ C nhưng các nhà khoa học và các quan chức cho biết đến nay chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy virus này có thể lan qua thực phẩm đông lạnh.

"Mọi người không nên e sợ thực phẩm, bao bì thực phẩm và việc phân phối thực phẩm", người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết trong một buổi họp báo.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cùng với Bộ Nông nghiệp nước này đã ra một tuyên bố chung rằng: "Không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể mắc Covid-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm".

Công ty Aurora của Brazil cho biết họ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ nhà chức trách Trung Quốc về lo ngại nêu trên. Công ty này khẳng định họ đã tuân thủ mọi biện pháp có thể nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và không có bằng chứng nào cho thấy virus này đã lây lan qua thực phẩm. Bộ Nông nghiệp Brazil đang tìm cách làm rõ vụ việc này với các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Giới chức Thâm Quyến đã theo dõi và xét nghiệm bất kỳ ai có thể đã tiếp xúc với các loại thực phẩm có nguy cơ dính virus SARS-CoV-2 và tất cả những người này đều âm tính với virus trên.

"Thật khó để nói về việc gà đông lạnh đã nhiễm virus từ cái gì", một quan chức Trung Quốc nhận định.

Cơ quan Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Thâm Quyến cho biết công chúng cần cẩn trọng để làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ thịt và hải sản đông lạnh.

Ủy ban Y tế tỉnh Thiểm Tây, nơi có thành phố Tây An cho biết đang xét nghiệm cho mọi người và lấy mẫu từ môi trường xung quanh có liên quan đến các sản phẩm tôm đông lạnh nhiễm virus được bày bán trong một khu chợ địa phương.

Ngoài việc kiểm tra tất cả container chứa thịt và hải sản từ các cảng lớn thời gian gần đây, Trung Quốc còn tạm dừng nhập khẩu thịt từ một số nơi, trong đó có Brazil từ giữa tháng 6.

7 nhà sản xuất thịt của Argentina đang thạm thời ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc do các công nhân của họ được xác nhận mắc Covid-19, một nguồn tin từ cơ quan y tế nông nghiệp Argentina hôm 13/8 cho hay.

Các ca mắc Covid-19 đầu tiên có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy virus này có nguồn gốc từ các sản phẩm từ động vật được bán trong chợ.

Li Fengqin, người đứng đầu phóng nghiên cứu vi sinh học tại Trung tâm Đánh giá Rủi ro An toàn Thực phẩm Quốc gia của Trung Quốc nhận định với phóng viên hồi tháng 6 rằng, nguy cơ thực phẩm đông lạnh nhiễm virus SARS-CoV-2 gây nên các ca mắc mới không thể bỏ qua.

Chợ Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có liên quan đến các trường hợp mắc Covid-19 hồi tháng 6. Virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trên thớt thái cá hồi nhập khẩu trong chợ. Việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào chợ Tân Phát Địa lần đầu tiên như thế nào hiện vẫn chưa được xác định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

WHO chưa có đủ thông tin, Mỹ “rất nghi ngờ” vaccine Covid-19 của Nga
WHO chưa có đủ thông tin, Mỹ “rất nghi ngờ” vaccine Covid-19 của Nga

VOV.VN - WHO vẫn chưa nhận được thông tin đầy đủ về vaccine ngừa Covid-19 của Nga trong khi chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ “rất nghi ngờ” về loại vaccine này.

WHO chưa có đủ thông tin, Mỹ “rất nghi ngờ” vaccine Covid-19 của Nga

WHO chưa có đủ thông tin, Mỹ “rất nghi ngờ” vaccine Covid-19 của Nga

VOV.VN - WHO vẫn chưa nhận được thông tin đầy đủ về vaccine ngừa Covid-19 của Nga trong khi chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ “rất nghi ngờ” về loại vaccine này.

Đức và Pháp phản đối Mỹ “dẫn dắt” các cuộc đàm phán cải tổ WHO
Đức và Pháp phản đối Mỹ “dẫn dắt” các cuộc đàm phán cải tổ WHO

VOV.VN - Đức cho rằng, việc Mỹ tham gia và “điều khiển” các cuộc đàm phám trong khi vừa tuyên bố rút khỏi tổ chức WHO là “bất hợp lý”.

Đức và Pháp phản đối Mỹ “dẫn dắt” các cuộc đàm phán cải tổ WHO

Đức và Pháp phản đối Mỹ “dẫn dắt” các cuộc đàm phán cải tổ WHO

VOV.VN - Đức cho rằng, việc Mỹ tham gia và “điều khiển” các cuộc đàm phám trong khi vừa tuyên bố rút khỏi tổ chức WHO là “bất hợp lý”.

WHO cảnh báo vấn đề y tế nghiêm trọng sau vụ nổ ở Beirut
WHO cảnh báo vấn đề y tế nghiêm trọng sau vụ nổ ở Beirut

VOV.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/8 cảnh báo hệ thống y tế yếu kém ở Lebanon là một vấn đề nghiêm trọng sau vụ nổ gần đây ở cảng Beirut.

WHO cảnh báo vấn đề y tế nghiêm trọng sau vụ nổ ở Beirut

WHO cảnh báo vấn đề y tế nghiêm trọng sau vụ nổ ở Beirut

VOV.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/8 cảnh báo hệ thống y tế yếu kém ở Lebanon là một vấn đề nghiêm trọng sau vụ nổ gần đây ở cảng Beirut.