Trung Quốc quan tâm dự án phát triển đường sắt cao tốc tại Bangladesh
VOV.VN - Trung Quốc đang bày tỏ sự quan tâm tới dự án phát triển đường sắt cao tốc tại Bangladesh. Động thái này xuất hiện sau khi Công ty Đường sắt BR thực hiện nghiên cứu khả thi cho dự án đường sắt cao tốc từ thủ đô Dhaka tới thành phố Chittagong.
Trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc vừa đề xuất triển khai dự án theo mô hình Đối tác Công – Tư kết hợp thỏa thuận giữa 2 chính phủ (G2G-PPP). Trước đó, chính quyền Bangladesh cũng đã chọn Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) để triển khai dự án.
Dự tính, công trình này sẽ có chi phí gấp 3 lần dự án cầu Padma (khoảng 3,2 tỷ USD) – một công trình khác cũng do Trung Quốc thi công tại Bangladesh. Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Li Jiming mới đây đã gửi thư cho Bộ trưởng Đường sắt nước này Nurul Islam Sujan đề nghị sớm ký biên bản ghi nhớ dự án giữa CREC và BR. Ngoài CREC, còn 2 công ty Trung Quốc khác là Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng Công trình Dân dụng Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn tham gia liên danh triển khai xây dựng, vận hành và quản lý vốn cho dự án đường sắt cao tốc này.
Nếu áp dụng mô hình G2G-PPP, Bangladesh có thể đề nghị các chính phủ khác cung cấp hỗ trợ tài chính và lựa chọn các công ty nhà nước hoặc tư nhân làm nhà đầu tư cho dự án. Hồi tháng 10/2014, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từng đề xuất dự án đường sắt cao tốc nối Dhaka và Chittagong. Tuy nhiên, dự án không được thông qua vì chi phí triển khai ước tính quá lớn. Hiện, Bangladesh chưa triển khai bất cứ dự án nào theo mô hình G2G-PPP.
Đề xuất của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia giao thông nghi ngờ tính khả thi của các dự án đầu tư có quy mô siêu lớn. Một số ý kiến cho rằng BR thiếu năng lực để hoàn thành các dự án ‘nhiều tham vọng’ như vậy. Thậm chí, bộ trưởng Đường sắt Sri Lanka năm ngoái còn tuyên bố chính phủ nước này sẽ ‘không vội vàng’ khi triển khai dự án vì chi phí quá lớn.
Nếu dự án đường sắt cao tốc được triển khai, quãng đường dài 224km từ thủ đô Dhaka tới thành phố cảng Chittagong sẽ chỉ mất 55 phút di chuyển, so với hành trình hiện tại kéo dài tới 6 giờ. Tuyến đường cao tốc nối giữa Dhaka và cảng Chittagong được coi là "xương sống" của nền kinh tế quốc gia Nam Á này. Nó đảm nhận việc vận chuyển hơn 80% hàng hóa xuất nhập khẩu của Sri Lanka./.