Trung Quốc: Tàu Hằng Nga 5 đáp xuống nơi các nước khác chưa từng tới trên Mặt Trăng
VOV.VN - Tàu Hằng Nga 5 sẽ là con tàu đầu tiên của Trung Quốc thực hiện việc lên Mặt Trăng thu thập các mẫu đất hoặc đá và đưa trở về Trái Đất.
Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cho việc phóng tàu Hằng Nga 5 lên Mặt Trăng vào cuối tháng này. Theo tiết lộ của chuyên gia và truyền thông Trung Quốc, con tàu này sẽ thu thập mẫu đất ở nơi mà tàu của các quốc gia khác chưa từng tới và việc làm này có thể sẽ "viết lại lịch sử Mặt Trăng".
Theo kế hoạch, tàu Hằng Nga 5 sẽ là con tàu đầu tiên của Trung Quốc thực hiện việc lên Mặt Trăng thu thập các mẫu đất hoặc đá và đưa trở về Trái Đất. Nếu kế hoạch này thành công, Trung Quốc sẽ chính thức hoàn thành chiến lược 3 bước gồm: bay xung quanh Mặt Trăng, đáp xuống bề mặt Mặt Trăng và qua trở về Trái Đất trong Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của mình.
Ông Bàng Chi Hạo, chuyên gia tuyên truyền khoa học về thám hiểm không gian của Trung Quốc cho biết, hoàn thành việc thu thập mẫu vật và mang trở về Trái Đất sẽ giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về sự hình thành và biến đổi của đất, vỏ và toàn bộ Mặt Trăng, tạo đột phá trong hàng loạt các công nghệ lõi, cung cấp dữ liệu và đặt nền tảng về công nghệ cho việc đưa người lên Mặt Trăng và chọn địa điểm xây dựng Căn cứ nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng của Trung Quốc.
Cũng theo chuyên gia này, nếu như 3 lần lấy mẫu trên Mặt Trăng của Liên Xô trước đây chỉ mang về Trái Đất khoảng 330g đất, thì lần này với công nghệ hiện đại tàu Hằng Nga 5 dự kiến sẽ mang về khoảng 2kg mẫu vật.
Bên cạnh đó, địa điểm lấy mẫu của Trung Quốc cũng hết sức đặc biệt và mang giá trị nghiên cứu rất cao. Nơi tàu Hằng Nga 5 đáp xuống ở gần dãy núi Mons Rümker ở phía Bắc khu vực lòng chảo lớn nhất (có tên gọi Oceanus Procellarum) trên biển Mặt Trăng (hay biển Trăng) thuộc vùng sáng của Mặt Trăng. Trong đó, biển Trăng là các vùng mặt phẳng bazan rộng và tối của Mặt Trăng được hình thành bởi các vụ phun trào núi lửa cổ đại.
Địa điểm này chưa từng có tàu thám hiểm của quốc gia nào đáp tới. Đây là khu vực lòng chảo khá trẻ, có nhiều nguyên tố phóng xạ, như urani (uranium), thori (thorium) và kali (potassium). Ở đây có đá bazan (hay đá huyền vũ) khoảng 1,3-2 tỷ năm.
Trước đây, các nghiên cứu mẫu đất trên Mặt Trăng của Mỹ và Liên Xô cũ cho rằng, hoạt động núi lửa trên Mặt Trặng đạt đỉnh điểm vào khoảng 3,5 tỷ năm trước, sau đó giảm dần và chấm dứt. Tuy nhiên, theo các quan sát trên bề mặt tại đây, một số nơi có thể có nham thạch được hình thành cách đây gần nhất là 1-2 tỷ năm, tương đương số năm khu vực tàu Hằng Nga 5 đáp xuống. Do vậy, nếu các mẫu vật mà con tàu này đem về có thể chứng minh được Mặt Trăng vẫn hoạt động trong khoảng thời gian trên, thì lịch sử của vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này có thể sẽ phải viết lại./.