Trung Quốc tham vọng nâng cao vị thế qua tổ chức Hội nghị G20
VOV.VN - Trung Quốc đang nỗ lực tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20 quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.
Ngày mai (4/9), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 11 sẽ khai mạc tại thành phố Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc.
Trung tâm báo chí phục vụ G-20.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Trung Quốc đang nỗ lực để tổ chức thành công một Hội nghị thượng đỉnh G20 quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Hội nghị năm nay có chủ đề “Xây dựng kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, liên kết và bao dung”. Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, còn có hơn 10 phiên thảo luận chuyên đề khác nhau, tập trung thảo luận 5 chủ đề chính là: Tăng cường điều phối chính sách, sáng tạo phương thức tăng trưởng mới; tìm kiếm cơ chế quản lý kinh tế tài chính toàn cầu hiệu quả hơn; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và mậu dịch toàn cầu; tìm kiếm phương thức phát triển bao dung và liên kết; những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đầu tư và mậu dịch toàn cầu tiếp tục bị thu hẹp, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu thế gia tăng, tiến trình phục hồi kinh tế thế giới chậm chạp và chưa vững chắc do thiếu động lực tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc mong muốn thông qua Hội nghị lần này có thể đưa ra được phương án khả thi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Hội nghị năm nay dự báo sẽ đạt được 30 kết quả cụ thể, trong đó có 6 kết quả nổi bật như: Đưa ra được lộ trình tăng trưởng sáng tạo cho kinh tế thế giới; thông qua kế hoạch hành động nghị trình phát triển bền vững đến năm 2030; thống nhất được những lĩnh vực ưu tiên cho cải cách kết cấu kinh tế thế giới; xây dựng được chiến lược tăng trưởng mậu dịch tòan cầu; thảo luận phương án đi sâu cải cách các cơ cấu tài chính toàn cầu.
Đường phố Hàng Châu. |
Cùng với việc tích cực chuẩn bị về mặt nội dung, công tác lễ tân và an ninh rất được nước chủ nhà Trung Quốc coi trọng. Trung Quốc đã mời số lượng kỷ lục đại diện các quốc gia và tổ chức tham dự Hội nghị. Ngoài lãnh đạo các nước thành viên G20, Trung Quốc còn mời Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch liên đoàn châu Phi, lãnh đạo nhiều nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, cùng đại diện hàng chục tổ chức quốc tế lớn. Có gần 5.000 phóng viên Trung Quốc và quốc tế đăng ký đưa tin về Hội nghị lần này.
Theo giới phân tích, Trung Quốc đang nỗ lực tổ chức thành công một kỳ Hội nghị thượng đỉnh G20 quy mô lớn nhất từ trước tới nay, qua đó nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Khó khăn lớn nhất vẫn là bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng đang rơi vào tình trạng giảm tăng trưởng, không thể đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng. Công tác đảm bảo an ninh cho hội nghị cũng đối diện với áp lực ngày càng gia tăng về khủng bố, nhất là sau khi sảy ra vụ tấn công bằng xe hơi nhằm vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Kyrgyzstan. Tình hình dịch Zika trên thế giới diễn biến phức tạp cũng đặt ra nguy cơ lây nhiễm sang Trung Quốc qua kỳ Hội nghị lần này.
Bên cạnh những nội dung về kinh tế được đưa ra bàn thảo, Hội nghị năm nay còn bị bao phủ bóng đen bởi những diễn biến căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và biển đảo. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không thảo luận vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Hội nghị G20 lần này, nhưng lãnh đạo nhiều nước cho biết vẫn sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này tại Hội nghị G20 cũng như trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Trung Quốc./.