Trung Quốc tìm thấy bằng chứng về rượu gạo từ 10.000 năm trước
VOV.VN - Bằng chứng mới về lên men rượu gạo sớm nhất ở khu vực Đông Á gần đây đã được tìm thấy ở Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu, kỹ thuật ủ rượu cách đây 10.000 năm này đã được phát hiện ở di chỉ Thượng Sơn, tỉnh Chiết Giang, miền Đông nước này.
Nghiên cứu và phát hiện này do các nhà khoa học thuộc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Chiết Giang, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Stanford (Mỹ) phối hợp thực hiện. Họ đã sử dụng nhiều phương pháp để nghiên cứu các hiện vật có từ giai đoạn đầu của văn hóa Thượng Sơn cách đây 10.000 năm.
Qua phân tích các di vật vi mô liên quan đến đồ gốm, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về việc người cổ Thượng Sơn không chỉ sử dụng gạo làm lương thực chính, mà còn làm nguyên liệu để ủ đồ uống lên men.
Theo đó, trong giai đoạn đầu của quá trình thuần hóa lúa gạo, các cộng đồng người thuộc nền văn hóa Thượng Sơn đã sử dụng các sách lược sinh kế đa dạng và sử dụng đồ gốm, đặc biệt là bình miệng nhỏ để nấu rượu gạo bằng cách sử dụng nấm mốc Monascus làm tác nhân đường hóa chính.
Lúa thuần hóa cung cấp nguồn tài nguyên ổn định cho quá trình lên men, trong khi điều kiện khí hậu thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của nấm, tạo điều kiện cho sự phát triển của các công nghệ lên men rượu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đồ uống có cồn có thể đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ tiệc tùng, cũng là phương tiện giao lưu xã hội và giao tiếp với các vị thần. Ý nghĩa văn hóa độc đáo này của rượu gạo có thể là động lực thúc đẩy việc trồng trọt, sử dụng và phổ biến lúa gạo rộng rãi ở Trung Quốc thời đồ đá mới.
Giáo sư Lưu Lợi (Li Liu), đồng tác giả của công trình nghiên cứu tại Đại học Stanford, cho biết: "Đây là bằng chứng sớm nhất về sự tồn tại của rượu gạo được tìm thấy trên thế giới cho đến nay".
Bằng cách phân tích 12 mảnh đồ gốm của các bình dùng để lên men, lưu trữ và nấu ăn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nồng độ phytolith cao từ lúa thuần hóa, cho thấy tầm quan trọng của nó như một nguồn tài nguyên thực vật chính đối với người Thượng Sơn. Các mảnh đồ gốm chứa các hạt tinh bột từ nhiều loại cây khác nhau. Nhiều hạt tinh bột có dấu hiệu thủy phân bằng enzym và hồ hóa, cho thấy quá trình lên men.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ hôm 10/12.
Cách đây 3 năm, tại khu di tích Kiều Đầu (Qiaotou) cũng ở Chiết Giang, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về việc sử dụng bia từ 9.000 năm trước dựa trên các đồ gốm trong một khu mộ cổ. Phát hiện này khiến địa điểm trên trở thành một trong những nơi uống bia sớm nhất trên thế giới.