Trung Quốc từng bước xóa bỏ giao dịch, giết mổ gia cầm sống tại các chợ

VOV.VN - Trung Quốc cũng sẽ hạn chế các hoạt động mua bán và giết mổ gia cầm sống, khuyến khích những nơi có điều kiện mở rộng mô hình giết mổ tập trung.

Nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát tại các khu chợ sau đợt dịch Covid-19 trong cộng đồng tại Bắc Kinh, Trung Quốc quyết định sẽ từng bước xóa bỏ các hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm sống trên cả nước.

Chợ gia cầm ở Trung Quốc. Ảnh: Agnet.

Theo quan chức Tổng cục Giám sát Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc, các chợ nông sản, trong đó có các chợ đầu mối hiện là kênh cung cấp thực phẩm quan trọng tại các đô thị ở nước này, trên 70% các loại thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản và rau quả đều được lưu thông qua các khu chợ này.

Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tăng cường đốc thúc các địa phương ở Trung Quốc chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19; siết chặt việc giám sát an toàn thực phẩm tại các khu vực trọng điểm, trong đó có các chợ nông sản; coi chợ đầu mối Tân Phát Địa như một bài học cảnh tỉnh, từ đó tập trung rà soát và tăng cường quản lý nguy cơ dịch bệnh tại các khu chợ nông sản, chợ đầu mối.

Theo đó, người kinh doanh thực phẩm phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt các loại giấy phép liên quan đến chất lượng và nguồn gốc hàng hóa. Những mặt hàng như thịt, thủy hải sản nếu không cung cấp được giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch sẽ bị cấm tiêu thụ.

Hoạt động kinh doanh động vật hoang dã trái phép sẽ bị xử lý nghiêm, việc ăn các loại động vật này cũng bị nghiêm cấm.

Trung Quốc cũng sẽ hạn chế các hoạt động mua bán và giết mổ gia cầm sống, khuyến khích những nơi có điều kiện mở rộng mô hình giết mổ tập trung, từng bước xóa bỏ các hoạt động giao dịch loại gia cầm này.

Hiện Trung Quốc có khoảng 44.000 chợ nông sản trên cả nước, trong đó chợ đầu mối là hơn 4.100. Kể từ sau khi dịch bùng phát tại chợ Tân Phát Địa và các chuyên gia phát hiện hàng loạt mẫu xét nghiệm lấy từ cá hồi và các sản phẩm thịt tại đây dương tính với SARS-CoV-2, các mặt hàng thịt, thủy hải sản bảo quản lạnh và nhập khẩu từ nước ngoài trở thành trọng tâm giám sát khẩn cấp. Cơ quan chức năng nước này cũng đã phải tiến hành thu thập thông tin, nhằm nghiên cứu, dự đoán và cảnh báo nguy cơ lây lan virus thông qua thực phẩm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên